Một lượng vết cặn protein từ lâu đã được tìm thấy trong các bức sơn dầu cổ điển. Ban đầu, chúng được cho là do nhiễm bẩn. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications cho thấy việc đưa protein vào tranh có thể là chủ ý, sáng tạo của các Old Masters (Bậc Thầy Cổ) - những họa sĩ châu Âu lành nghề nhất thế kỷ 16, 17 và đầu thế kỷ 18.
Tác giả nghiên cứu Ophélie Ranquet thuộc Viện Cơ học và Kỹ thuật Quy trình Cơ khí, Viện Công nghệ Karlsruhe ở Đức cho biết: “Chưa có công trình khoa học nào trước đây nghiên cứu về vấn đề này. Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng, một lượng rất nhỏ lòng đỏ trứng có thể làm thay đổi đáng kể về tính chất trong sơn dầu, mang lại lợi ích lớn cho các nghệ sĩ”. Vì sơn là một quá trình thủ công và thử nghiệm nên có thể các Bậc Thầy Cổ đã thêm lòng đỏ trứng vào để tạo thành loại sơn mới hơn, lần đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ thứ bảy tại Trung Á trước khi lan sang Bắc Âu trong thời Trung cổ và Ý trong thời kỳ Phục hưng.
Trong quá trình tìm hiểu, các nhà nghiên cứu đã tái tạo quy trình tạo sơn bằng cách sử dụng bốn thành phần: lòng đỏ trứng, nước cất, dầu hạt lanh và bột màu để trộn hai màu phổ biến và có tính lịch sử là trắng và xanh lam. "Việc bổ sung lòng đỏ trứng có lợi vì nó có thể điều chỉnh các đặc tính của những loại sơn này một cách hiệu quả. Ví dụ chất chống oxy hóa trong lòng đỏ có thể làm giảm thời gian oxy hóa của sơn", Ranquet nói. Các phản ứng hóa học giữa dầu, sắc tố và protein trong lòng đỏ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và độ nhớt của sơn với chức năng nổi bật là giúp chống ẩm tốt hơn. Trong trường hợp người nghệ sĩ muốn phần nào đó cứng hơn mà không phải sử dụng nhiều bột màu thì một chút lòng đỏ trứng có thể tạo ra lớp sơn có độ bóng cao.
Một tài liệu tham khảo rõ ràng nhất về ảnh hưởng của lòng đỏ trứng trong sơn dầu là bức "Madonna of the Carnation" của Leonardo da Vinci, tác phẩm cho thấy rõ nếp nhăn trên khuôn mặt của Mary và đứa trẻ. “Sơn dầu bắt đầu khô từ bề mặt trở xuống, đó là lý do nó bị nhăn,” Ranquet giải thích. Một lý do khiến sơn bị nhăn nữa là thiếu sắc tố trong sơn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thêm lòng đỏ trứng có thể tránh được hiệu ứng này. Vì nếp nhăn xuất hiện trong vài ngày nên có thể Leonardo và các Bậc thầy Cổ khác nắm bắt được hiệu ứng đặc biệt kể trên, cũng như các đặc tính có lợi bổ sung của lòng đỏ trứng trong sơn dầu như khả năng chống ẩm.
Maria Perla Colombini, giáo sư hóa học phân tích tại Đại học Pisa ở Ý, người không tham gia vào nghiên cứu chia sẻ: “Nhóm nghiên cứu đã đóng góp kiến thức mới trong việc sử dụng lòng đỏ trứng và chất kết dính dầu. Kiến thức mới này không chỉ góp phần bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật tốt hơn mà còn giúp hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!