Khi chuột rút xảy ra thường có đặc điểm chân đau không cử động được, chỗ đau có một cục do cơ bị co lại. Ở người già, do đặc điểm của lứa tuổi là khó ngủ và ngủ ít, nên khi gặp chuột rút thì những cơn đau do hiện tượng này gây ra thường khiến họ mất ngủ cả đêm, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Không chỉ người già mới bị chuột rút, mà ngay cả đối với thanh niên, thậm chí là trẻ em cũng có thể gặp phải hiện tượng này. Theo các bác sĩ, đa phần các trường hợp bị chuột rút là lành tính, tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, nếu thường xuyên gặp hiện tượng này và kèm theo đó là một số triệu chứng như uống nhiều nước, đi tiểu nhiều lần, cơ thể mệt mỏi, sợ lạnh, tăng cân, da xanh xao nhợt nhạt, đau chân khi đi bộ đoạn ngắn... thì rất có thể đó là dấu hiệu tiềm ẩn của một bệnh nào đó.
Cách cắt dứt cơn đau:
- Cố gắng đứng dậy đi hoặc lắc lư chân.
- Kéo căng cơ bắp chân, ngồi thẳng chân và cố gắng gập bàn chân về phía đầu gối.
- Xoa bóp, chườm lạnh bằng túi đá hoặc tắm bằng nước ấm.
Tùy thuộc vào từng nguyên nhân dẫn đến chuột rút, sẽ có biện pháp thích hợp để chữa trị. Ngoài một số biện pháp trên, đối với người già, do đặc điểm lứa tuổi, sẽ có phương pháp phòng ngừa và điều trị chuột rút phù hợp với đặc điểm tâm lý và sức khỏe.
Để phòng ngừa chuột rút cần thực hiện:
- Uống đủ nước trong ngày.
- Giới hạn hoặc tránh uống nhiều rượu, bia và cà phê.
- Ăn uống cân bằng, bảo đảm đầy đủ canxi, kali, manhe.
- Tập xe đạp tại chỗ hoặc tập kéo căng cơ bắp chân vài phút trước khi ngủ.
- Nếu bạn đang dùng thuốc để chữa bệnh và bị chuột rút, hãy thông báo với bác sĩ điều trị để tìm nguyên nhân.
- Khi thực hiện các hướng dẫn trên mà chuột rút vẫn xảy ra, cần đi khám ngay để điều trị chứng bệnh này.