Ngày 25/10, Công ty Cổ phần Tập đoàn OSB đã phối hợp với UBND huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) tổ chức lễ khánh thành và bàn giao công trình trạm Internet vệ tinh tại Điểm trường Hô Hài 1 (xã Chà Cang) và Điểm trường Huổi Púng (xã Pa Tần).
Công trình trạm Internet vệ tinh mới được lắp đặt tại Điểm trường Hô Hài 1, xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
Nằm ở vùng núi phía Tây Bắc Việt Nam, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên có những điểm trường vùng sâu, vùng xa - nơi các giáo viên và học sinh đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ viễn thông và Internet.
Ông Bùi Văn Ần - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Nậm Pồ - cho biết: "Nậm Pồ là huyện biên giới khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên và cũng là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Huyện có 121 bản và mỗi bản đều có các điểm trường mầm non. Có những bản không có điểm trường tiểu học do các em học sinh rút về trung tâm học nhưng cũng có những bản có tới 2 điểm trường mầm non. Hiện tại, các điểm trường trên địa bàn huyện Nậm Pồ đều gặp khó khăn về cung đường giao thông, điều kiện kinh tế người dân còn chưa tốt nên chưa có được sự quan tâm đến việc học hành của con cái như ở dưới miền xuôi. Bà con nơi đây chủ yếu làm nông, canh tác lúa nước hoặc lúa nương, trồng ngô, sắn…, không có mô hình kinh tế làng nghề hay công ty, xí nghiệp trên địa bàn huyện, do đó, đời sống người dân còn vất vả, thu nhập của bà con chưa được cao".
Hiện nay, dịch vụ kết nối Internet gần như chưa có tại các điểm trường trên địa bàn huyện mà chủ yếu chỉ phục vụ ở các trung tâm xã, các cơ quan Nhà nước, các hộ dân có điều kiện kinh tế. Một số điểm trường thậm chí còn chưa có điện.
Trong số đó, tại các điểm trường Hô Hài 1 và Huổi Púng, các học sinh vẫn đang phải đối mặt với những thiếu thốn cơ bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, đặc biệt là khả năng tiếp cận Internet - chìa khóa mở ra cánh cửa tri thức trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin.
Cô Tống Thị Khuyên - Hiệu trưởng Trường Mầm non Chà Cang - cho biết: "Được thành lập năm 2024, Trường Mầm non Chà Cang có 1 điểm trường chính và 6 điểm trường phụ. Trong đó, Điểm trường Hô Hài 1 là một điểm trường rất khó khăn của xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ. Do không có điện cũng như sóng điện thoại, điểm trường gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ của các giáo viên".
Cô Tống Thị Khuyên - Hiệu trưởng Trường Mầm non Chà Cang, Điểm trường Hô Hài 1 - chia sẻ về những khó khăn tại điểm trường
Theo cô Tống Thị Khuyên, Điểm trường Hô Hài 1 có hai nhóm lớp gồm 16 trẻ mầm non và 12 học sinh tiểu học. Do các phụ huynh nơi đây chủ yếu làm nông, làm nương tại các khu vực xa trung tâm nên công tác xã hội hóa giáo dục, vận động phụ huynh đến giúp đỡ lao động, tham gia các hoạt động xây dựng cơ sở vật chất cho trường còn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, con đường dẫn đến điểm trường cũng không dễ đi, đặc biệt là vào mùa mưa, khiến việc di chuyển của các thầy cô và học sinh cũng như việc vận chuyển các trang thiết bị tới điểm trường không hề dễ dàng. Tại Điểm trường Hô Hài 1, các bé mầm non và học sinh tiểu học đều ăn trưa tại trường, sáng đến học, chiều về nhà. Tuy nhiên, cả điểm trường chỉ có 3 giáo viên gồm 2 cô giáo bên lớp mầm non và 1 thầy giáo bên lớp tiểu học.
Điểm trường Hô Hài 1, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
Trong khi đó, Điểm trường Huổi Púng có một nhóm lớp với 24 trẻ nhỏ, nằm cheo leo trên đỉnh núi cao, cách trung tâm huyện hơn 40 km, nơi đường xá hiểm trở, gập ghềnh. Hành trình đến được điểm trường phải vượt qua những cung đường đất đá trơn trượt, nhiều đoạn dốc đứng, khúc khuỷu.
Điểm trường Huổi Púng, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
Thiếu những hạ tầng thiết yếu, các thầy cô nơi đây gặp vô vàn khó khăn trong việc tiếp cận, sử dụng các phần mềm học tập trực tuyến hay đơn giản là tiếp cận với những tài liệu giáo dục, giảng dạy hiện đại. Các thầy cô không chỉ phải tìm cách giảng dạy trong điều kiện thiếu thốn mà còn phải đối mặt với sự cô lập thông tin, điều này làm cho việc cập nhật kiến thức và phương pháp giảng dạy mới trở nên cực kỳ khó khăn. Để có được tài liệu học tập, nhiều thầy cô phải vượt hàng chục km xuống vùng xuôi hoặc leo lên các đỉnh đồi cao để hứng sóng điện thoại. Mỗi ngày trôi qua là một nỗ lực không ngừng nghỉ để duy trì ngọn lửa học tập, để từng con chữ, từng bài học vẫn có thể đến được với học trò, dẫu con đường đến trường còn nhiều trắc trở. Đây cũng là khó khăn chung của các cư dân sống trong địa bàn xung quanh điểm trường.
Thấu hiểu được những khó khăn, thách thức của giáo dục vùng cao và sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng viễn thông của những thôn - bản, với quyết tâm nối dài cánh tay tương thân tương ái, Tập đoàn OSB đã đồng hành cùng Công ty Cổ phần Công nghệ xanh Hùng Việt, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật TSTC thực hiện chương trình thiện nguyện "Trường học số vùng cao - OSB và những người bạn" năm 2024, thông qua đó phối hợp với Điểm trường Huổi Púng và Điểm trường Hô Hài 1 tổ chức triển khai, xây dựng thành công trạm Internet vệ tinh nhằm mang cơ hội tiếp cận dịch vụ Internet cho giáo viên, học sinh cũng như cho người người dân sinh sống ở các thôn, bản lân cận.
Hệ thống pin năng lượng mặt trời và trạm Internet vệ tinh tại Điểm trường Huổi Púng, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
Hệ thống chảo thu vệ tinh kết nối với vệ tinh OSBSAT-1 sẽ cung cấp đường truyền Internet tốc độ ổn định, đảm bảo nhu cầu sử dụng cho các thầy cô để thu thập tư liệu giảng dạy, cập nhật các trang thông tin xã hội và giúp các bé tương tác với kiến thức mới. Bên cạnh đó, tại hai điểm trường này còn được lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, giúp cung cấp nguồn điện phục vụ quá trình học tập và sinh hoạt của giáo viên và học sinh.
Cũng trong dịp này, Tập đoàn OSB đã trao tặng mỗi điểm trường 1 TV, 1 máy tính xách tay và 50 suất quà cho học sinh của hai điểm trường.
Tập đoàn OSB đã trao tặng giáo viên và học sinh tại hai điểm trường những món quà ý nghĩa
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Đình Toản - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn OSB - chia sẻ: "Với Dự án "phủ xanh" Internet và thoại nơi đây, cô và trò cũng như người dân thôn bản sẽ được tiếp cận với kho tàng kiến thức, các dịch vụ phong phú, trải nghiệm việc dạy và học thuận tiện, dễ dàng hơn trên nền tảng Internet, qua đó góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng xa xôi với các khu vực phát triển trên địa bàn tỉnh và cả nước".
Ông Trần Đình Toản - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn OSB - phát biểu tại lễ khánh thành và bàn giao công trình trạm Internet vệ tinh tại Điểm trường Hô Hài 1
Tập đoàn OSB mong muốn thông qua dự án này sẽ tạo tiền đề phát triển cho các điểm trường, thôn bản vùng cao, tiếp thêm niềm tin và khát vọng học tập cho các em nhỏ, hướng đến một nền giáo dục bền vững và toàn diện.
Những tiết mục văn nghệ ấn tượng của các cô và trò tại Điểm trường Hô Hài 1
Ông Nguyễn Hữu Đại - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ - cho biết: "Việc đưa Internet vệ tinh đến các điểm trường khó khăn như Hô Hài 1 và Huổi Púng không chỉ giúp các em học sinh tiếp cận nguồn tri thức quý giá mà còn mở ra cánh cửa kết nối cho cả cộng đồng thôn bản. Đây thực sự là cầu nối đưa người dân gần hơn với thế giới, mang đến những cơ hội học tập, giao lưu, và phát triển mà trước đây còn xa vời".
Ông Nguyễn Hữu Đại - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ - phát biểu tại buổi lễ
Dự án "phủ xanh" Internet đến hai điểm trường vùng cao tại Điện Biên không chỉ xóa nhòa khoảng cách về công nghệ mà còn mang lại cho cộng đồng nơi đây một môi trường học tập và sinh hoạt hiện đại hơn. Giờ đây, cả giáo viên, học sinh và người dân thôn bản không còn bị giới hạn bởi vị trí địa lý mà có thể kết nối trực tiếp với những thông tin, kiến thức mới mẻ từ khắp nơi. Đây là bước đệm vững chắc, không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn lan tỏa động lực phát triển bền vững cho toàn thể cộng đồng, mở ra những cơ hội mới cho cuộc sống của người dân nơi đây.
Ông Bùi Văn Ần - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Nậm Pồ trao chứng nhận "Tấm lòng vàng" cho Công ty Cổ phần Tập đoàn OSB và nhà tài trợ
Bắt đầu triển khai từ năm 2023, chương trình thiện nguyện "Trường học số vùng cao - OSB và những người bạn" mang sứ mệnh "phủ xanh" Internet, điện thoại tới các điểm trường, thôn, bản khó khăn chưa có điều kiện phổ cập, qua đó mang tới cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin đến giáo viên, học sinh tại các điểm trường và người dân thôn bản thuộc vùng sâu, vùng xa trên cả nước.
Năm ngoái, Tập đoàn OSB cùng các nhà tài trợ đã trao tặng hệ thống pin năng lượng mặt trời duy trì nguồn điện để vận hành hệ thống Internet, thoại qua vệ tinh, duy trì điện chiếu sáng hỗ trợ sinh hoạt và học tập cho cô - trò tại Điểm trường Háng Á thuộc khối Trường Mầm non Hoa Huệ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Đồng thời, Tập đoàn OSB cũng đã thiết lập trạm Internet vệ tinh, giúp các giáo viên và học sinh tại điểm trường cùng người dân thôn bản kết nối Internet, thoại qua vệ tinh, qua đó có cơ hội tiếp cận kho tàng tri thức rộng lớn, góp phần xây dựng nền tảng cho một tương lai giáo dục vững mạnh, phát triển toàn diện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!