Để giúp người dân không chỉ khôi phục mà còn xây dựng lại cuộc sống một cách bền vững, các giải pháp đồng bộ và sáng tạo là cần thiết. Đây là cơ hội để triển khai các mô hình sinh kế bền vững, không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài và bền vững trong tương lai.
Sự hỗ trợ chung tay từ cộng đồng đã giúp người dân làng Nủ nhanh chóng tái thiết nhà cửa và mua sắm các vật tư thiết yếu, từ đó ổn định cuộc sống một cách hiệu quả.
Để giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, cần triển khai các chương trình hỗ trợ sinh kế đa dạng. Trước tiên, các hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề cần được hỗ trợ tài chính để khôi phục hoạt động sinh kế cơ bản. Cụ thể, Ngày 15/9/2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định 984/QĐ-TTg hỗ trợ khẩn cấp khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 cho tỉnh Lào Cai. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 150 tỷ đồng cho tỉnh Lào Cai từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 để khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và ổn định đời sống người dân. Sự hỗ trợ này đã giúp người dân nhanh chóng tái thiết nhà cửa và mua sắm các vật tư thiết yếu, từ đó ổn định cuộc sống một cách hiệu quả.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc tổ chức các khóa đào tạo nghề sẽ cung cấp kỹ năng mới cho người dân, đặc biệt là những người mất thu nhập từ nông nghiệp. Một ví dụ tiêu biểu là các dự án do Oxfam và World Vision đã thực hiện trước đây, cung cấp hỗ trợ khẩn cấp và khôi phục sinh kế cho hàng ngàn hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Dự án này không chỉ cung cấp các khóa đào tạo về may mặc và dịch vụ mà còn hỗ trợ kỹ thuật canh tác và chăn nuôi để người dân có thể bắt đầu cuộc sống mới. Tại huyện Nam Trà My, Quảng Nam, chương trình nói trên đã giúp hàng trăm người dân chuyển sang các ngành nghề mới như may mặc và dịch vụ, nhờ vào sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ và chính quyền địa phương. Các mô hình này cho thấy việc đào tạo nghề có thể giúp người dân sớm tìm kiếm việc làm và ổn định kinh tế.
Bên cạnh đó, việc phát triển các mô hình sinh kế bền vững cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi lâu dài. Cung cấp hướng dẫn về kỹ thuật nông nghiệp bền vững như canh tác hữu cơ là một giải pháp dài hạn để tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai. Ở tỉnh Sơn La, chương trình hỗ trợ nông dân chuyển sang canh tác hữu cơ đã giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu tác động của thiên tai. Các mô hình này có thể được áp dụng tại Làng Nủ để cải thiện năng suất và độ bền vững của hoạt động nông nghiệp.
Phát triển du lịch cộng đồng cũng là một cách hiệu quả để tạo sinh kế bền vững. Tại vùng đất đỏ bazan ở Đắk Nông, du lịch sinh thái đã trở thành một nguồn thu nhập quan trọng cho người dân, giúp họ duy trì cuộc sống và bảo tồn môi trường. Làng Nủ có thể khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng với các hoạt động như du lịch sinh thái và văn hóa, từ đó tạo ra nguồn thu nhập mới cho cộng đồng.
Đồng thời, việc tăng cường năng lực cộng đồng và ứng phó với thiên tai là cần thiết để giảm thiểu thiệt hại trong tương lai. Các khóa tập huấn về quản lý thiên tai và diễn tập ứng phó khẩn cấp giúp cộng đồng chuẩn bị tốt hơn cho các tình huống khẩn cấp.
Cụ thể, theo Hội chữ thập đỏ Việt Nam, dự án "Xây dựng khả năng chống chịu với thiên tai tại miền Trung Việt Nam" do Oxfam cùng các đối tác thực hiện, đã mang lại những kết quả tích cực sau gần 3 năm triển khai, tính đến cuối tháng 6/2024. Với tổng ngân sách hơn 4 triệu đô la Mỹ, dự án nhằm mục tiêu hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai và bão lũ.
Dự án đã mang lại lợi ích cho 673,952 người, bao gồm việc đào tạo 2,717 cán bộ chính quyền địa phương và 9,939 người dân thông qua 176 khóa đào tạo về phòng chống thiên tai.. Đặc biệt, 2,545 học sinh đã được trang bị kiến thức và kỹ năng để đối phó với các tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, 19 cuộc diễn tập ứng phó đã được tổ chức nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng đối phó với thiên tai tại các khu vực có nguy cơ cao.
Xây dựng các nhóm hỗ trợ trong cộng đồng sẽ giúp chia sẻ thông tin và tài nguyên trong các tình huống khẩn cấp. Các mô hình mạng lưới cộng đồng đã chứng minh hiệu quả ở nhiều khu vực khác nhau, như chương trình "Làng an toàn" ở những vùng thường xuyên xảy ra bão lũ.
Các sáng kiến này bao gồm việc xây dựng những ngôi nhà chống bão lũ và các trung tâm sơ tán an toàn. Đơn cử, tại các tỉnh miền Trung, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng hơn 4.100 ngôi nhà chống chịu bão lũ, giúp bảo vệ người dân và tài sản khỏi thiên tai. Những ngôi nhà này không chỉ bảo vệ người dân mà còn phục vụ như nơi trú ẩn an toàn cho cả cộng đồng trong thời gian có bão.
Một thiết kế nhà phao chống lũ với đặc thù "nước dâng đến đâu nhà lên đến đó"
Chương trình "Làng an toàn" và các sáng kiến tương tự giúp nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng ở các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, tạo nên môi trường sống an toàn và bền vững hơn cho người dân. Đây cũng là nơi người dân hỗ trợ lẫn nhau trong các tình huống thiên tai. Mô hình này có thể được áp dụng tại Làng Nủ để tăng cường sự đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng.
Việc triển khai các giải pháp này sẽ không chỉ giúp người dân Làng Nủ nhanh chóng khôi phục sinh kế mà còn xây dựng nền tảng vững chắc để họ đối phó với những thách thức trong tương lai. Sự kết hợp giữa hỗ trợ khẩn cấp và các chương trình phát triển bền vững là chìa khóa để giúp cộng đồng phục hồi và phát triển lâu dài sau cơn bão lũ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!