Giáo sư Bernard Kippelen và các cộng sự. Ảnh: Solar Interface
Những tấm pin năng lượng mặt trời thân thiện với môi trường là sản phẩm sau nhiều năm nghiên cứu của các nhà khoa học tại trường ĐH công nghệ Georgia (Mỹ). Khác với những tấm pin năng lượng mặt trời thông thường, vốn được làm từ những vật liệu không dễ tái chế như nhựa, thủy tinh hay silicon, loại pin năng lượng mặt trời này có tiềm năng tái chế 100%.
Giáo sư Bernard Kippelen - Đại học công nghệ Georgia cho biết: “Suy nghĩ về việc làm thế nào để tái chế hoàn toàn những vật liệu như vậy đã thực sự là động cơ cho nghiên cứu của chúng tôi. Chúng tôi đã đặt ra câu hỏi cho việc đưa những tấm pin mặt trời lên bề mặt nhựa liệu có phải là cách giải quyết một vấn đề môi trường bằng việc tạo ra một vấn đề khác hay không?".
Để trả lời câu hỏi này, giáo sư Kippelen và các cộng sự đã tìm kiếm một loại vật liệu thay thế, không chỉ có khả năng tái chế mà còn ổn định lâu dài. Họ phát hiện ra rằng, thành phần tinh thể nano xenlulozơ có trong gỗ từ cây trồng và một số loài thực vật khác có thể thay thế các vật liệu nhân tạo trong việc chuyển hóa năng lượng mặt trời thành điện năng. Đặc biệt khi vào cuối vòng đời, chúng có thể dễ dàng hòa tan trong nước chỉ trong vài phút. Tuy nhiên, đây cũng lại là mặt hạn chế.
Giáo sư Bernard Kippelen phân tích: “Như chúng ta thấy loại vật liệu này có thể dễ dàng tái chế bằng cách ngâm trong nước, nhưng cũng đồng thời nếu bạn đưa chúng ra ngoài trời mưa, về cơ bản chúng sẽ biến mất”.
Để khắc phục vấn đề này, các nhà khoa học đang phát triển một lớp rào cản hữu cơ để bảo vệ các tấm pin mặt trời vào ngày mưa và hy vọng sẽ đưa chúng vào sử dụng phổ biến trong tương lai không xa.