Căng thẳng thường được coi là một phản ứng của tinh thần hoặc cảm xúc và là một trạng thái tự nhiên. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức những hậu quả mà căng thẳng để lại cho sức khoẻ thể chất của mình.
Cụ thể, để đối phó với căng thẳng, cơ thể chúng ta trải qua những thay đổi trong việc tiết hormone và hoá chất. Hầu hết các chất tiết ra này được sản xuất bởi tuyến thượng thận - một cơ quan nhỏ nằm trên thận. Các hormone được giải phóng từ đây phục vụ nhiều chức năng, bao gồm phản ứng "chiến đấu hay bỏ chạy", điều chỉnh quá trình trao đổi chất.
Cortisol là hormone chính gây ra căng thẳng, có chức năng chủ yếu là ức chế các quá trình có thể cản trở phản ứng "chiến đấu hay bỏ chạy" của cơ thể. Điều này nghĩa là nó làm thay đổi cách hệ thống miễn dịch phản ứng và cản trở hoạt động bình thường của các hệ thống liên quan đến tiêu hoá, sinh sản và tăng trưởng. Đây cũng là lý do căng thẳng có thể gây ra nhiều vấn đề về tiêu hoá, từ sự khó chịu ở dạ dày đến những hội chứng ruột kích thích.
(Ảnh: BullRun – stock.adobe.com)
Căng thẳng cũng có thể cản trở thói quen ăn uống của bạn. Ăn quá nhiều hoặc quá ít đều làm thay đổi trọng lượng của cơ thể.
Ngoài tác động đến tiêu hoá, sự căng thẳng còn biểu hiện trên da của bạn, làm trầm trọng thêm các tình trạng như mụn trứng cá, bệnh vẩy nến và chàm. Ngoài ra, nó còn có thể gây ra phản ứng dị ứng, dẫn tới các vấn đề khó chịu hơn như nổi mề đay.
Nếu như căng thẳng kéo dài, trở thành mãn tính, nó gây ảnh hưởng tới cả sức khoẻ tim mạch của bạn như tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tăng huyết áp và xơ vữa động mạch. Các hormone gây căng thẳng, đặc biệt là cortisol có khả năng làm tăng huyết áp và làm tồi tệ hơn tình trạng viêm trong mạch máu.
Đối với riêng phụ nữ, sự căng thẳng sẽ khiến cơ thể giảm việc sản xuất estrogen và progesterone, đồng thời làm tăng nồng độ cortisol. Sự pha trộn đặc biệt này thường dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt thất thường và khó chịu, thậm chí có thể có tác động xấu đến cả sức khỏe tinh thần và ham muốn tình dục.
Trong trường hợp của nam giới, căng thẳng làm giảm nồng độ testosterone và tăng cortisol, sau đó dẫn đến cảm giác mệt mỏi và giảm ham muốn tình dục đáng báo động.
(Ảnh: New Africa – stock.adobe.com)
Để làm giảm tình trạng căng thẳng, các chuyên gia khuyên bạn nên hoạt động thể chất thường xuyên. Đây là cách hiệu quả nhất để giảm căng thẳng và giảm mức độ cortisol trong cơ thể. Ngoài ra, bạn nên tránh trả lời email và những cuộc điện thoại không khẩn cấp, cân nhắc việc nghỉ giải lao để kiểm soát căng thẳng hiệu quả. Bạn cũng có thể áp dụng một chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng, tránh hút thuốc, uống rượu.
Điều quan trọng là bạn cần nhận ra sự căng thẳng có tác động tiêu cực như thế nào đến cơ thể cũng như chất lượng cuộc sống của mình. Từ đó, bạn có thể tìm cách tự chăm sóc sức khoẻ phù hợp với bản thân hơn để cải thiện tình trạng này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!