Theo một bản báo cáo mới đây, chất thải do người leo núi để lại đang biến những điểm cắm trại và sườn núi Everest thành “hầm chứa phân lộ thiên” và đe dọa lây lan dịch bệnh qua các đường nước suối. Để giải quyết vấn đề này, các nhà leo núi thuộc quân đội Ấn Độ sẽ tiến hành một chiến dịch mang rác thải xuống núi.
Tờ báo India Today cho biết, một đội ngũ gồm 34 nhà leo núi của quân đội cùng với hướng dẫn viên địa phương sẽ có mặt ở Kathmadu vào 4/4. Họ dự định thu gom và mang xuống núi hơn 4000kg rác thải không phân hủy được và các thiết bị leo núi bị bỏ lại.
“Thật đáng buồn khi giờ đây, đỉnh Everest được coi như bãi rác thải cao nhất thế giới” - thiếu tá Ranveer Singh Jamval phát biểu - “Mục tiêu của chúng tôi là biến giấc mơ về một thế giới sạch đẹp của Thủ tướng trở thành hiện thực, kể cả trên Nóc nhà thế giới.”
Những người leo núi ở đèo Cho La
Được biết đến với tên gọi Nhiệm vụ dọn dẹp đỉnh Everest (Swachh Everest), đội leo núi sẽ thu thập rác thải ở Trại số 1, 2, 3 và 4 nằm giữa độ cao 5380 - 7920m. Ngoài hành lý nặng 10kg của bản thân, họ dự tính sẽ mang thêm 10kg rác và chất thải xuống núi.
Vào mùa leo núi diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, có hơn 600 người bao gồm các nhà leo núi và người dẫn đường địa phương tham gia cuộc hành trình lên đỉnh Everest băng giá. Năm ngoái, mùa leo núi đã bị hủy bỏ sau khi 16 người dẫn đường bản xứ thiệt mạng trong một trận lở tuyết.
Nepal đã đe dọa thắt chặt việc thực thi các hình phạt để thuyết phục các nhà leo núi giữ vệ sinh môi trường và đem theo rác thải khi họ xuống núi, tuy nhiên, thực tế cho thấy điều này rất khó thực hiện. Năm ngoái, các nhà chức trách đã ban hành một điều luật mới, theo đó những người leo núi phải đặt cọc 4000 USD trước khi bắt đầu cuộc hành trình và họ sẽ mất toàn bộ số tiền này nếu không mang đủ 8kg rác và chất thải xuống núi.
Một bãi rác được đào cho những người leo núi ở độ cao 4903m
“Những người leo núi, hướng dẫn viên, các nhà chức trách - ai cũng phải góp phần gìn giữ vệ sinh đỉnh Everest” - Michelle Jana Chan, phóng viên báo Telegraph Travel nói - “Mọi người cần phải hiểu rõ trách nhiệm bản thân và mức độ quan trọng của việc bảo vệ cảnh quan môi trường ngọn núi.”
Một số nhà leo núi có đã mang theo túi vệ sinh dùng một lần để sử dụng nhưng có rất nhiều người không làm được như vậy.
“Chính những người leo núi là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này” - chuyên gia leo núi Paul Hart chia sẻ - “Bạn có thể thuyết phục được những người yêu thích leo núi sử dụng loại túi này và mang chúng xuống núi để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đối với người chỉ muốn khoe khoang thành tích chinh phục đỉnh cao thì việc giữ gìn vẻ đẹp nguyên sơ của ngọn núi không phải điều họ quan tâm.”
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.