Rối Tày - Nét văn hóa cần được lưu giữ và bảo tồn

Thanh Loan-Thứ sáu, ngày 18/03/2011 07:55 GMT+7

Ở thôn Thẩm Rộc, xã Bình Yên, huyện Định Hóa có một người vẫn đang sáng tạo và để lại cho văn hóa dân tộc Tày nói riêng và cộng đồng văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung một nét nghệ thuật độc đáo, đó là múa rối cạn.

Những nghệ nhân dòng họ Ma Quang đang biểu diễn rối Tày

Rối cạn thường được dòng họ Ma Quang biểu diễn đầu năm nhằm mục đích mua vui cho công chúng, cùng với ước vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Ai đó đã từng một lần được xem biểu diễn múa rối Tày Thẩm Rộc hẳn đều có chung cảm giác ngạc nhiên và thú vị. Những khúc gỗ thô kệch, mộc mạc qua bàn tay đẽo gọt và điều khiển của những nghệ nhân đã trở nên linh hoạt và sống động lạ thường.

‘ Bên các con rối cổ

Nét độc đáo của rối Tày Thẩm Rộc cũng xuất phát từ cách thức làm ra con rối. Để tạo ra một con rối cỡ trung bình, các nghệ nhân cần thời gian từ 2 đến 3 ngày, trải qua các công đoạn như lựa chọn vật liệu, tạo hình bằng tay, phơi khô, sơn mầu và may quần áo cho nhân vật.

Anh Ma Quang Chóng - Xã Bình Yên, huyện Định Hóa, Thái Nguyên cho biết: “Nguyên liệu của phường này thì các cụ ngày xưa hay làm bằng gỗ thông cho đến bây giờ chúng tôi là thế hệ thứ 13 của phường, vẫn chọn gỗ đấy nhưng không còn được kén chọn như ngày xưa nữa có thể lẫn vào cả gỗ xoan, các chất liệu kém mối mọt và độ bền lâu, cái quan trọng nhất là nhẹ”.

Sau hơn 40 năm vắng bóng, nghệ thuật rối Tày Thẩm Rộc mới được khôi phục và biểu diễn trở lại từ năm 1999. Bằng sự say mê với loại hình nghệ thuật truyền thống này, anh Ma Quang Chóng, Trưởng tộc rối Ma Quang đã sáng tạo ra nhiều con rối mới và từng bước khơi dậy truyền thống múa rối của dòng họ. Ngoài mong muốn bảo tồn nét văn hoá độc đáo của tổ tiên để lại, anh Chóng còn có nhiều sáng tạo theo phong cách riêng của mình. Những trò rối của anh Chóng đã đi vào cuộc sống của người nông dân thuần phác nơi núi rừng này, bồi đắp thêm thi vị cho đời sống tinh thần của nhân dân. Vậy mà đã có những lúc anh đã nghĩ tới chuyện từ bỏ nghề của cha ông.

Anh Ma Quang Chóng cho biết thêm: “Thực sự cũng có những lúc tôi muốn bỏ nghề nhưng sau nghĩ lại thì mình nghĩ mình phải làm, nếu không làm thì đến đời sau có thể nó sẽ mai một chẳng hạn như các con tôi bây giờ chúng nó chưa theo nhưng sau này tôi muốn chúng nó phải theo chứ không thể hời hợt được”.

Những điệu múa rối thường đi xen kẽ với tiếng đàn bầu ngân lên, tiếng nhị kéo dài hay tiếng sáo vi vu. Rối Tày Thẩm Rộc từ lâu đã là một món ăn tinh thần quan trọng của những người dân thuần phác ở vùng thôn quê miền núi Định Hóa. Để nghệ thuật rối Tày tiếp tục được duy trì và phát triển, bên cạnh nỗ lực của những người trong cuộc, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng, những người tâm huyết với một nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước