Điều này thể hiện sự vận động, tiếp biến trong văn hóa, là sự sáng tạo phù hợp với xã hội hiện đại nhưng vẫn gìn giữ giá trị truyền thống của dân tộc.
Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết Hàn thực (mùng 3 tháng 3 âm lịch), người Việt có tục lệ làm bánh trôi bánh chay để cúng tổ tiên, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Theo cách làm truyền thống, bánh trôi bánh chay được làm từ nhân đường phên hoặc đỗ xanh, nặn với bột gạo nếp màu trắng. Trong vài năm gần đây, thị trường bánh Tết Hàn thực đang dần trở nên rực rỡ với sự xuất hiện của bánh trôi bánh chay ngũ sắc.
Với cách làm tương tự các loại bánh truyền thống, bánh trôi bánh chay ngũ sắc được tạo nên từ loại bột bánh có màu sắc bắt mắt, nhuộm bằng các nguyên liệu tự nhiên như: gấc, nghệ, trà xanh, nếp cẩm... Thậm chí, bánh trôi bánh chay không chỉ có hình tròn như truyền thống mà nay đã được nặn thành hình hoa quả và các con vật ngộ nghĩnh. Đây là lựa chọn của nhiều gia đình trong dịp Tết Hàn thực những năm gần đây.
Không chỉ tạo nên sự đa dạng trên thị trường, bánh trôi bánh chay ngũ sắc còn đem đến sự thích thú cho đông đảo các bạn nhỏ, giúp các em hào hứng hơn với những loại bánh truyền thống của dân tộc. Chị Nguyễn Ngọc Bích (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Những năm gần đây, gia đình mình thường hay mua bột bánh trôi bánh chay ngũ sắc về nhà để dạy các bạn nhỏ làm bánh. Mình thấy các con rất vui khi được tự tay làm ra những chiếc bánh nhiều màu sắc với những hình dáng ngộ nghĩnh bằng sự sáng tạo của con trẻ.”
Từ đó, bánh trôi bánh chay ngũ sắc như một “sứ giả văn hóa”, mang các giá trị truyền thống của dân tộc tới gần hơn tới thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn nhỏ, giúp các em được tiếp xúc và gìn giữ tục lệ giàu bản sắc của cha ông.
Bánh chay với hình dáng ngộ nghĩnh đem đến sự thích thú cho nhiều bạn nhỏ.
Xét theo góc độ văn hóa, nhiều chuyên gia cho rằng, bánh trôi bánh chay ngũ sắc là sự vận động, tiếp biến tự nhiên của văn hóa. Trong bất cứ thời kỳ nào, phong tục tập quán luôn chứng kiến sự đổi mới và sáng tạo theo thời gian. Tuy nhiên, đây là sự biến đổi có chọn lọc, phù hợp với thị hiếu của xã hội hiện đại nhưng vẫn không làm mất đi cốt cách của các giá trị truyền thống quý giá của dân tộc.
Theo chuyên gia văn hóa, PGS.TS Lương Quỳnh Khuê (Viện khoa học Môi trường và Xã hội), các màu sắc không chỉ đơn thuần là sự sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, mà sâu xa cội nguồn văn hóa, điều này cũng liên quan đến các giá trị truyền thống của dân tộc. Từ xa xưa, giống lúa cổ của Việt Nam không chỉ có màu trắng như bây giờ mà tạo nhiều màu sắc cho cơm như: màu đỏ, màu hồng, màu tím nếp cẩm… Bên cạnh đó, ngũ sắc còn là biểu hiện của triết lý ngũ hành trong văn hóa Việt Nam với 5 sắc màu: xanh, đỏ, tím, vàng và trắng nguyên thủy.
PGS.TS Lương Quỳnh Khuê: “Bánh trôi bánh chay ngũ sắc là biểu hiện của triết lý ngũ hành”.
Cùng với đó, ngũ sắc và ngũ hành thể hiện sự thiêng liêng và may mắn. Thời xưa, theo quan niệm dân gian, hiện tượng mây ngũ sắc xuất hiện là điềm báo quốc thái dân an, những người nào nhìn thấy mây ngũ sắc sẽ gặp nhiều may mắn. Không chỉ vậy, người Việt ta thường buộc chỉ ngũ sắc ở cổ tay với mong muốn đem lại điều tốt lành và may mắn. Điều đó khẳng định, ngũ sắc từ lâu đã mang một ý nghĩa đặc biệt trong tâm thức của mỗi người Việt Nam.
Cuộc sống luôn vận động và biến đổi không ngừng, các yếu tố văn hóa mới như bánh trôi bánh chay ngũ sắc có thể xuất hiện nhưng cần dựa trên các giá trị văn hóa của dân tộc. Để làm được điều đó, các thế hệ hôm nay và mai sau cần ý thức về trách nhiệm kế thừa, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc những giá trị mới của xã hội hiện đại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!