Huyền sử Tây Bắc kể rằng, cách đây 4 thế kỷ, những tộc người như Mông, Dao, La Chí... di cư đến Tây Bắc để khai khẩn và định cư nhưng lúc đó những thung lũng lớn đã có những tộc người bản địa sinh sống. Vì thế, họ phải chọn những dải núi có độ cao từ 1.000 - 1.600m so với mực nước biển để dựng bản, lập mường.
Ban đầu, những thửa ruộng bậc thang hình thành dưới chân núi để chủ động nguồn nước suối tưới tiêu. Sau dân số tăng lên, bà con bắt đầu khai khẩn lên cao.
Công việc được tiến hành vào mùa xuân, khoảng tháng 1 đến tháng 3 để tháng 4, tháng 5 có thể kịp lấy nước phục vụ canh tác.
Việc khai phá ruộng bậc thang tiếp nối qua nhiều thế hệ đồng bào dân tộc Mông ở Mù Cang Chải và hình thành một vùng ruộng bậc thang rộng hàng ngàn ha. Những thửa ruộng như bức tranh nghệ thuật bao quanh các sườn núi với tổng diện tích 500ha đã được vinh danh là danh thắng cấp Quốc gia.
Lễ hội ruộng bậc thang tổ chức vào tháng 9 hàng năm, đúng mùa lúa chín, để tôn vinh những đồng bào đã đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của người nông dân vùng cao. Đây cũng là minh chứng rõ nét nhất cho việc vượt khó, chinh phục tự nhiên của bà con dân tộc Mông ở Mù Cang Chải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!