Sử dụng cần sa làm tăng nguy cơ rối loạn hành vi

Minh Đức-Thứ tư, ngày 19/06/2019 18:17 GMT+7

VTV.vn - Sử dụng cần sa trong thời gian dài không chỉ gây nghiện mà còn gây ra tình trạng rối loạn hành vi, không kiểm soát được tâm trạng, thậm chí ảo giác, loạn thần.

Cần sa - một loại ma túy được lấy từ cây dầu gai, được các "dân chơi" biết đến với những cái tên như "bồ đà", "tài mà, "pin"... Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong cần sa chứa chất THC (Delta 9 tetrahydrocannobinol), đây là chất có khả năng gây ảnh hưởng đến nhận thức, tính khí của người sử dụng. THC có thể vào máu thông qua phổi khi người sử dụng hút hoặc qua màng bao tử và ruột non nếu ăn vào. Máu sau khi nhận THC sẽ vận chuyển chất này lên não và tạo cảm giác "phê" cho người sử dụng. Nhìn chung, chất THC là hoạt chất chính trong cần sa gây tác động đến tâm thần và đi kèm với đó là nhiều nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí là tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (Bệnh viện tâm thần Mai Hương), chỉ cần sau một vài phút sử dụng cần sa, mạch đập có thể sẽ nhanh hơn 50% so với bình thường. Từng có trường hợp một bệnh nhân đang sử dụng thuốc có tác dụng làm tim đập nhanh mà hút cần sa khiến người này suýt tử vong. Ngoài tác động đến tim mạch, chất THC trong cần sa còn làm đỏ kết mạc mắt, gây rối loạn thăng bằng, rối loạn hành động, choáng váng, tai lùng bùng, cơ thể mệt mỏi, thấy đói và thèm ăn ngọt, thậm chí nôn mửa...

Bác sĩ cũng cho biết, người hút cần sa bị ảnh hưởng khá nặng nề về tâm thần. Trước hết có cảm giác lo lắng, bồn chồn nhưng rất nhanh sau đó đạt được cảm giác kích thích và sảng khoái. Nhưng bản thân người hút cũng sẽ bị rối loạn trong suy nghĩ, trí nhớ, rất dễ thay đổi tâm trạng không kiểm soát được. Ngoài ra, người hút cần sa cũng sẽ thấy các ảo giác, tưởng tượng tay chân mình dài ra, cảnh vật xung quanh méo mó... Từng có trường hợp người hút cần sa nhảy từ tầng cao xuống đất vì cảm giác mặt đất quá gần.

Theo chuyên gia Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD, cần sa có khả năng gây nghiện như heroin khi sử dụng thường xuyên. Người dùng sẽ có xu hướng tăng liều để đạt cảm giác thỏa mãn, nếu người nghiện cần sa không được sử dụng đủ liều sẽ gây những triệu chứng như khó chịu, lo lắng, đau đầu, mất ngủ... Còn nếu lạm dụng cần sa thì người sử dụng sẽ gây nên nhiều nguy hại cho xã hội và bản thân. Cần sa gây tác động lên hệ thần kinh trung ương gây ra ảo giác rất nguy hiểm, người sử dụng sẽ không làm chủ được hành vi, từ đó dẫn đến các hành vi như chém giết người khác, tự chém bản thân hoặc tự tử. Do cần sa có tính kích thích mạnh nên khi sử dụng làm cho con người không có cảm giác đau đớn, rơi vào trạng thái mơ hồ lâng lâng, nhưng khi hết tác dụng thì trở nên yếu ớt, mệt mỏi, suy nhược cả về thần kinh lẫn cơ thể.

Ngoài khiến người dùng mất kiểm soát hành vi, tạo ra các ảo giác, rối loạn trí nhớ ngắn hạn, cần sa cũng khiến người dùng suy giảm khả năng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp, thậm chí là ung thư.

Trước những tác hại của cần sa, Việt Nam đã đưa cần sa vào danh mục ma túy và ban hành luật cấm sử dụng, buôn bán, tàng trữ. Theo Nghị định 67/2001/NĐ-CP thì cần sa và nhựa cần sa được xếp vào Danh mục "Các chất ma túy rất độc, tuyệt đối cấm sử dụng trong lĩnh vực y tế"; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Từ khóa:

cần sa

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước