Sức sống của làng nghề tráng bánh đa, bánh đa nem Thổ Hà

Thu thảo-Thứ bảy, ngày 27/07/2024 06:39 GMT+7

VTV.vn - Đến làng Thổ Hà vào những ngày hè tháng 7, tôi cảm nhận rõ hơn sự vất vả và tâm huyết của những người dân gắn bó cuộc đời mình với nghề truyền thống.

Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có khoảng 1000 hộ dân, khoảng 80% trong đó làm bánh đa, bánh đa nem. Trời chưa sáng hẳn, những căn nhà vẫn lập lòe ánh điện, tôi ghé thăm gia đình bác Trịnh Đắc Định. Nhà bác Định cách cổng làng khoảng hơn 500 mét, đi thẳng, rẽ phải rồi rẽ trái xuống một con dốc ngắn. Tôi bước vào cổng, thấy hai người đàn ông đứng cạnh nhau, tay nhanh như cắt, nhấc phên ra khỏi máy. Bác Định và anh của mình vừa làm, vừa gọi chúng tôi vào xem và trò chuyện. Chúng tôi là những vị khách không hẹn mà đến.

Người Thổ Hà đã tráng bánh đa nem bằng máy kể từ năm 2005 rồi. Trong làng không còn nhà nào tráng tay nữa. Nhưng máy cũng chỉ đỡ được một phần sức người. Máy tráng bánh của gia đình bác Định trông đơn giản, như một loại máy tự chế, chia làm hai phần chính: phần đựng bột và phần đặt phên. Phần bột bánh chảy xuống chiếc phên dài, mỏng dính, màu trắng đục. Những chiếc phên xếp chồng lên nhau, tựa vào một cái cột. Cứ khoảng 15 phên một lần, lại có người bê ra ngoài sân, ngoài dốc, dựng từng chiếc lên phơi.

Sức sống của làng nghề tráng bánh đa, bánh đa nem Thổ Hà - Ảnh 1.

Gia đình bác Trịnh Đắc Định tráng bánh đa nem.

Có một điểm chung của tất cả các thành viên trong gia đình bác Định là nước da bánh mật. Có lẽ, làm nghề này không thể trắng được, bởi đây là cái nghề phải đứng dưới nắng mỗi sáng. Bác định tự hào chia sẻ: "Tôi biết cái nghề này từ những năm 70 của thế kỷ trước, khi bố mẹ tôi vẫn còn tráng từng chiếc bánh bằng tay, ngồi tỉ mẩn làm cho thật tròn. Lúc ấy tôi cũng học, cũng làm, đến giờ cũng phải 40 năm." Bác kể thêm: "Nguyên liệu làm bánh nem từ bao năm nay vẫn thế, chỉ có bột gạo và muối ăn, không có bất kì chất phụ gia nào. Người ta hay hỏi tại sao bánh nem Thổ Hà để một, hai tháng đã mốc, thì bởi làm gì có chất bảo quản đâu."

Tôi đứng phía sau lưng bác Định, nhìn máy chạy và đôi tay thoăn thoắt của bác. Bác nói về công việc hằng ngày của mình: "Chỉ trừ ngày mưa, còn lại hôm nào tôi cũng dậy từ 3 giờ sáng. Gạo ngâm từ hôm trước, rồi xay bột, tráng bánh. Ở đây chúng tôi chỉ tráng đến độ 6 giờ, rồi mang ra phơi. Phơi gần hai tiếng thì xong. Rồi chúng tôi bóc bánh, tạo hình, đóng gói". Một công việc vất vả, tốn sức nhưng bác Định chỉ kể trong vỏn vẹn mấy lời.

Thổ Hà ngày tôi đến chỉ có hơi gió Tây Nam, đó là một sáng oi ả. Nhưng Thổ Hà không khiến tôi cảm thấy bí bách. Theo lời bác Định, gió đẹp nhất để phơi bánh là gió heo may, độ tháng 10. Dạo này, do ảnh hưởng của bão nên nhiều hôm phải "chạy bánh" khi thấy cơn mưa. Có nhà không chạy kịp, bỏ hết cả 400 giàng.

Sức sống của làng nghề tráng bánh đa, bánh đa nem Thổ Hà - Ảnh 2.
Sức sống của làng nghề tráng bánh đa, bánh đa nem Thổ Hà - Ảnh 3.

Sân chùa làng Thổ Hà phơi đầy những phên bánh đa. (Ảnh: Quốc Trung)

Tạm biệt gia đình bác Định, chúng tôi đến thăm gia đình cô Trịnh Thị Cảnh, làm nghề tráng bánh đa. Tôi đến khi vợ chồng cô đang ngồi tráng bánh. Nếu như bánh đa nem đã có máy tráng kể từ năm 2005 thì bánh đa vẫn được những người thợ tráng tay trên chiếc bếp nghi ngút khói. Cô Cảnh chia sẻ: "Bố mẹ tôi làm nghề này lâu rồi, khi đi lấy chồng thì tôi mang theo. Bánh được làm từ bột gạo, bột mì, bột nếp, đường, bên trên rắc thêm vừng, lạc, dừa. Gạo ngâm hai tiếng rồi đem xay, pha với nước, sau đó tráng. Tráng xong đem phơi 5 tiếng, cất đi, ngày hôm sau phơi tiếp 3 tiếng rồi mới nướng. Nướng trên bếp lò, than lúc nào cũng cháy hồng, nóng lắm."

Vợ chồng chú Thắng, cô Cảnh mỗi người một công đoạn để làm bánh đa.

Tôi ngắm dòng sông Cầu và những phên bánh đa trước mặt. Ánh nắng hắt vào. Tôi lại nhìn sang cô chú đang cần mẫn tráng từng chiếc bánh đa. Người Thổ Hà làm công việc ấy mỗi ngày, mỗi ngày.

Tôi lại đi. Những con ngõ thẳng, dài, sâu hun hút, nhỏ tí xíu được xếp đầy những phên bánh đa, bánh đa nem. Và chúng còn được phơi trên mái nhà, trong sân nhà, trên những con dốc thoải và sân đình, sân chùa nữa. Những phên bánh đa bằng nhau, đều tăm tắp, trải dài. Những người thợ vừa phơi, vừa hỏi chuyện người đi đường. 

Làng Thổ Hà kể về nhiều câu chuyện đời đẹp đẽ, không chỉ là những phên bánh nối dài…

Nghĩ về nghề

Tôi đi quanh sân chùa Thổ Hà, gặp chú Bùi Tá Lộc. Người chú mảnh khảnh, nước da rám nắng. Một mình chú kéo xe, phơi bánh. Tôi tò mò hỏi: "Các con chú có làm nghề này không?". Chú cười, lắc đầu và nói thêm: "Giờ lớp trẻ không làm nghề này đâu." Tôi nghĩ lại, cả nửa buổi sáng ở làng, đi khắp các "hang cùng ngõ hẻm", tôi chỉ gặp người trung niên và người già cặm cụi bên những phên bánh.

Ở Thổ Hà, đám trẻ có trường cấp một, cấp hai ở làng. Nhưng muốn học cấp ba, Đại học thì phải đi xa. Và đi bằng phà. Người trẻ ở Thổ Hà học Đại học xong cũng đi xa gần hết. Số còn lại đi làm công nhân bên khu công nghiệp Bắc Giang - Bắc Ninh. Mỗi chuyến phà đưa họ qua sông là một lần họ rời xa "ốc đảo" bình yên này. Họ chỉ trở về vào những dịp đặc biệt như: cuối tuần, ngày lễ, cỗ bàn,... Tuổi thơ của họ gắn liền với công việc tráng bánh đa, bánh đa nem. Họ biết đó là một nghề vất vả nên luôn cố gắng để "ra ngoài". Chú Lộc tâm sự với tôi rằng: "Nghề này là nghề truyền thống, sau không có ai nối nghiệp, tôi cũng thấy buồn. Nhưng vì làm nghề vất vả quá nên ở đây có đứa nào theo nghề đâu. Đi học hoặc đi làm hết. Cầm tấm bằng Đại học trên tay mà lại về nhà, ngồi tráng bánh đa à?"

Sức sống của làng nghề tráng bánh đa, bánh đa nem Thổ Hà - Ảnh 6.

Cơn gió thổi mạnh khiến một hàng phên bánh nhà chú Lộc bị đổ. Chú cúi người, dựng lên từng chiếc. Mắt chú nheo lại vì nắng. Tay chú chỉ vào những phần bánh rách, nói với tôi: "Phần này là phải bỏ. Công việc kiểu này chỉ hợp với những người ít chữ như lớp chúng tôi."

Dù làm nghề vất vả là thế, nhưng bao năm nay bánh đa, bánh đa nem Thổ Hà vẫn giữ nguyên một mức giá. Thương lái đến làng mua bánh đa khoảng 20.000 đồng/ chiếc, bánh đa nem khoảng 27.000 đồng/ 100 chiếc. "Giờ chúng tôi lấy công làm lãi, đủ ăn đủ tiêu qua ngày chứ không dư dả gì nữa. Nghề này chục năm trở lại đây bị bão hòa rồi, muốn tăng giá cũng không được." - chú Lộc chia sẻ thêm.

Quy luật cạnh tranh của thị trường ngày càng trở nên khốc liệt. Những làng nghề truyền thống như Thổ Hà có nhiều khó khăn hơn. Việc truyền nghề và lợi nhuận thu được vẫn luôn là một trăn trở.

Tôi ra khỏi sân chùa, đi theo con đường làng quanh co đến các con ngõ hồi nãy. Những tấm tre đan đã phủ kín hai bên rìa. Tiếng nổ lách ta lách tách nghe vui tai. Những người thợ nhanh chân, nhanh tay thu bánh vào nhà. Những người bán hàng ngoài chợ đẩy xe đi về. Mấy con cún quẫy đuôi dưới nắng. Chiếc phà vừa họ lại bên dốc, Thổ Hà dần vào ban trưa yên ắng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước