Chương trình nhằm tôn vinh truyền thống văn hoá của dân tộc, phát huy giá trị văn hóa cung đình xưa.
Buổi lễ có sự góp mặt của các vị đại biểu: PGS.TS Trần Đức Cường (Hội đồng Khoa học Lịch sử Việt Nam), nhà sử học Lê Văn Lan (Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Khu di tích lịch sử Đền Hùng), nghệ nhân làm quạt truyền thống Lan Tuyết cùng đông đảo khách mời.
Các đại biểu cắt băng khai mạc chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa”.
Chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” bao gồm 2 hoạt động chính là trưng bày và thể nghiệm nghi lễ cùng với không gian cổ kính. Các nghi lễ của hoàng cung trong ngày Tết Đoan Ngọ thời Lê được trưng bày, diễn giải một cách có hệ thống, sinh động, chân thực thông qua pano, tranh vẽ.
Đặc biệt, trong buổi lễ khai mạc chương trình, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Hội Di sản văn hoá Thăng Long và Công ty cổ phần Ỷ Vân Hiên thực hiện nghi lễ tiến phẩm, dâng hương lên các bậc tiên đế. Bên cạnh đó, nghi lễ ban quạt vẫn được Trung tâm duy trì tái hiện. Đây là 2 trong 4 nghi lễ Tết Đoan Ngọ quan trọng của triều đình thời Lê Trung Hưng.
Tết Đoan Ngọ được các vương triều tổ chức trang trọng, với các nghi lễ mang tính cung đình. Dưới thời Lê Trung Hưng, Tết Đoan Ngọ cũng là dịp để nhà vua, hoàng tộc sửa soạn lễ phẩm dâng lên tổ tiên và các bậc sinh thành.
Với nghi thức thường triều, tại điện Cần Chánh, hoàng thân cùng các quan văn võ từ bậc tứ ngũ phẩm đều được tham dự.
Theo thông lệ, tết cũng là dịp các bề tôi được ban thưởng. Tết Đoan Ngọ diễn ra đúng vào lúc thời tiết nóng nực, chiếc quạt là vật dụng làm mát vô cùng thiết yếu, nên ngoài ban yến, nhà vua còn tiến hành ban quạt. Ân điểm ban quạt thể hiện sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đến thần dân với ý nghĩa nhân văn là ban “phúc lành, sức khoẻ, bình an”.
Bề tôi xếp hàng chờ được nhà vua ban quạt. Quạt được ban cho các hoàng thân, văn võ bá quan, binh lính, nô tỳ, tiểu giám... nhằm nêu cao tinh thần trung nghĩa của các quần thần, nhà vua làm thơ đề trên quạt để tỏ ý khuyên răn.
Một số hình ảnh khác:
Các đại biểu dâng hương tại điện Kính Thiên.
Nghệ nhân Lan Tuyết hướng dẫn các bạn nhỏ cách làm ra một chiếc quạt truyền thống.
Đại biểu và khách mời tham gia lễ “giết sâu bọ”, thưởng thức những món ăn dân dã không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ.
Việc tái hiện các nghi lễ cung đình trong chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” góp phần giúp công chúng hiểu thêm về nét văn hoá của người Việt, tôn vinh truyền thống văn hoá của dân tộc và phát huy các giá trị văn hóa của cung đình Thăng Long.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!