Tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đã tổ chức triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954”. Sự kiện là một trong những hoạt động có ý nghĩa chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp (1973-2023).
Trong lễ khai mạc, có sự tham gia của các đại biểu Việt Nam như PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên Nhi đồng Quốc hội; ông Nguyễn Văn Phong, Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội; ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội; ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa; PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam...
Các đại biểu quốc tế tham dự gồm ông Nicolas FIÉVÉ, Giám đốc Viện Viễn đông Bác cổ Pháp; bà Cecile Vigneau, Phó Đại sứ Pháp tại Việt Nam; bà Isabella Poujol, Phụ trách thư viện ảnh trụ sở Paris, Viện viễn đông Bác cổ Pháp ; ông Emmanuel Cerise, Giám đốc cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam ; ông Philippe Le Failler, Trưởng đại diện Viện viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội.
Chia sẻ về quá trình thực hiện triển lãm, ông Philippe Le Failler, Trưởng đại diện Viện viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội cho biết: “Thiết kế và lên chương trình triển lãm tại Văn Miếu không phải là việc dễ ngay cả đối với một nhà sử học như tôi. Bởi đây là một không gian ốc đảo nhiều cây xanh, nằm giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội, là một điểm di tích mang nhiều ý nghĩa có bề dày lịch sử và mang tính biểu tượng cao. Chúng tôi làm triển lãm trên tinh thần tôn trọng, cầu thị và luôn học hỏi".
Vào cuối thế kỷ 19, trên các bản đồ, vị trí Văn Miếu nằm ở rìa kinh thành, giữa một khu vực nông thôn, dân cư thưa thớt. Cách xa trung tâm, trực thuộc hành chính tỉnh Hà Đông, nên di tích ít được quan tâm và tu sửa, được biết đến với cái tên “Chùa Quạ”. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng của Hà Nội diễn ra sau khi các thành lũy bị dỡ bỏ và việc xuất hiện của nhiều tuyến phố mới đã khiến Văn Miếu giờ đây nằm giữa trung tâm của một đô thị đang phát triển.
Bản thiết kế tu sửa Chùa Một Cột năm 1922
Bản tin của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp
Thông qua bộ sưu tập gần 100 bức ảnh Việt Nam của EFEO, triển lãm kể lại hành trình của những con người tham gia vào việc bảo tồn Văn Miếu. Họ là những nhà nghiên cứu, kiến trúc sư người Việt Nam và người Pháp làm việc tại EFEO, nhà cầm quyền của tỉnh Hà Đông lúc bấy giờ và cả những người thợ xây, thợ mộc, thợ sơn mài… lành nghề của Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Hoàng Trọng Phu là Tổng đốc Hà Đông từ năm 1907 đến năm 1938, ông có nhiều đóng góp cho việc tu sửa Văn Miếu từ năm 1917-1920.
Nhà nghiên cứu Trần Hàm Tấn, tên ông gắn liền với một nghiên cứu uyên bác về Văn Miếu trong đó giới thiệu kỹ nội dung các tấm bia tiến sĩ
Nhờ những con người ấy, di sản này đã được trùng tu, tu bổ và gìn giữ cho tới ngày nay.
Bản đồ các di tích ở Hà Nội được xếp hạng
Những hình ảnh sinh động qua những thước phim 3D được trưng bày ở triển lãm
Công chúng khám phá hình ảnh hình của khu di tích thay đổi qua thời gian qua hai video 3D do kiến trúc sư Đinh Nam Đức thực hiện
Dấu của Viện Viễn đông Bác cổ và sổ ghi chép, bút chì (hiện vật mô phỏng)
Triển lãm cũng giúp công chúng hiểu hơn về công việc của các nhà nghiên cứu lúc bấy giờ, đồng thời cung cấp cho người xem một cách nhìn đương đại về công tác nghiên cứu ngày nay.
Tư liệu về lần trùng tu Văn Miếu đầu tiên của EFEO
Tới những năm 30, Sở Công chính Hà Đông tiến hành sửa chữa tổng thể bằng khoản trợ cấp 4494 đồng bạc Đông Dương với sự giám sát của EFEO
Ý nghĩa của những tên gọi trong các tài liệu ở triển lãm
Du khách tham quan triển lãm
Triển lãm diễn ra tại nhà Tiền đường khu Thái học, Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đến hết tháng 4 năm 2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!