Mụn trứng cá thường xuất hiện khi cơ thể bắt đầu bước vào giai đoạn tuổi dậy thì và trong quá trình thay đổi nội tiết tố ở cả nam và nữ. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn gây mất thẩm mỹ, khiến nhiều người thiếu tự tin. Dưới đây là 8 vùng trên cơ thể thường xuất hiện mụn và cách khắc phục.
1. Má
Má là vị trí thường xuất hiện mụn nhiều nhất, đặc biệt là khi những thiết bị điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Ngoài việc thường xuyên sử dụng tay để chạm lên mặt thì ngay cả một cuộc trò chuyện qua điện thoại tưởng chừng như vô hại cũng có thể là thủ phạm. Điện thoại có khả năng chứa vi khuẩn và khi chúng tiếp xúc với da của bạn, chúng có thể truyền những vị khách không mời đó lên trên mặt bạn. Ngoài ra, các vật dụng hàng ngày khác như vỏ gối và ga trải giường bẩn cũng có thể góp phần gây ra mụn trứng cá trên má.
Hãy tạo thói quen lau sạch điện thoại trước mỗi lần sử dụng và tránh đặt điện thoại ở những nơi có xu hướng bị nhiễm khuẩn, chẳng hạn như phòng tắm. Thường xuyên thay vỏ gối và ga trải giường, tốt nhất là hàng tuần cũng góp phần trong quá trình làm giảm mụn trứng cá ở má.
2. Trán
Thủ phạm chính dẫn tới tăng mọc mụn ở trán là sự tăng tiết dầu trên da của bạn. Nguyên nhân gây mụn ở trán cũng có thể là do tóc của bạn. Nếu tóc có xu hướng nhờn, lượng dầu dư thừa đó có thể dễ dàng chảy lên trán và có khả năng làm tắc nghẽn lỗ chân lông ở khu vực đó. Ngoài ra, các sản phẩm dành cho tóc như pomade, gel và sáp thường chứa các thành phần như bơ ca cao hoặc dầu dừa, cũng có thể khiến da bạn nhờn hơn.
Sữa rửa mặt nhẹ nhàng phù hợp cho loại da của bạn có thể sẽ giải quyết được vấn đề này. Tuy nhiên, nếu không hiệu quả, bạn nên thay đổi thói quen chăm sóc tóc của mình. Hãy chọn những sản phẩm dành cho tóc ít dầu hơn hoặc tốt hơn là không nên dùng chúng nêu không thực sự cần thiết.
3. Lưng
Nhiều yếu tố khác nhau có thể gây ra mụn trứng cá ở lưng, bao gồm phản ứng dị ứng với các sản phẩm chăm sóc da như kem chống nắng, kem dưỡng ẩm hoặc kem dưỡng thể. Ngoài ra, mồ hôi trộn lẫn với dầu và chất độc trên da cũng có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
Tình trạng này có thể trở nên trầm trọng hơn nếu quần áo, khăn trải giường và trang phục bó sát bị bẩn, cản trở sự thông thoáng của da và có thể dẫn đến kích ứng và nổi mụn nhiều hơn ở lưng. Do đó việc tắm rửa sau khi tập luyện và thường xuyên thay quần áo là điều nên làm để hạn chế mụn ở lưng.
4. Mũi
Lỗ chân lông ở mũi thường có xu hướng to hơn, khiến bụi bẩn và vi khuẩn dễ dàng mắc kẹt hơn. Ngoài ra, da trên mũi nhờn hơn, khiến nó dễ bị nổi mụn hơn.
Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khác nhau có thể gây ra mụn ở mũi, bao gồm chế độ ăn uống, căng thẳng, một số loại thuốc hoặc các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Tuy nhiên, vệ sinh không đầy đủ là nguyên nhân phổ biến nhất. Việc sử dụng sản phẩm có chứa natri sulfacetamide và lưu huỳnh giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn trên da. Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn nên tới khám các bác sĩ da liễu.
5. Vùng quanh miệng
Mụn gần miệng có thể do kích ứng da hoặc tiếp xúc thường xuyên với các đồ vật như điện thoại di động, dây mũ bảo hiểm hoặc nhạc cụ. Việc sử dụng một số loại mỹ phẩm hoặc sản phẩm chăm sóc da mặt cũng có thể gây ra tình trạng này.
Nếu bạn đang phải đối mặt với tình trạng mụn trứng cá tái phát nhiều lần ở miệng, bạn nên tìm đến lời khuyên của các bác sĩ da liễu để có thể đưa ra các phương án điều trị phù hợp. Tuy nhiên, phòng ngừa thường là phương pháp tốt nhất. Thiết lập thói quen chăm sóc da hàng ngày bao gồm làm sạch nhẹ nhàng bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, chọn sản phẩm trang điểm có nhãn "không gây mụn" và chọn các sản phẩm không chứa dầu, hạn chế chạm vào mặt có thể giúp ngăn ngừa mụn trứng cá bùng phát ở miệng.
6. Chân
Mụn ở chân chủ yếu xảy ra khi vi khuẩn, bã nhờn và tế bào da chết bị mắc kẹt trong nang lông, dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông và sau đó là viêm nhiễm. Vấn đề này thường do các yếu tố vật lý, chẳng hạn như ma sát từ thiết bị thể thao hoặc quần áo quá chật.
Tuy nhiên, bạn cần phải thận trọng vì mụn ở chân đôi khi có thể bị nhầm lẫn với các tình trạng da khác như viêm nang lông, chàm hoặc dày sừng nang lông. Nếu bạn cảm thấy ngứa hoặc đau, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
7. Cằm và cổ
Cằm và cổ nổi mụn có thể là dấu hiệu của sự thay đổi nội tiết tố. Sự thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt là hoàn toàn bình thường, cũng như những thay đổi do sử dụng thuốc như ngừa thai. Trong trường hợp nghiêm trọng, mụn do nội tiết tố có thể liên quan đến tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.
Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, áp dụng quy trình chăm sóc da bao gồm sữa rửa mặt, kem dưỡng ẩm và phương pháp điều trị mụn trứng cá không gây mụn có thể giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Ngoài ra, sử dụng kem chống nắng phù hợp cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc kiểm soát mụn trứng cá.
8. Vai
Mụn ở vai là một vấn đề về da có thể xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau. Nó thường bắt đầu khi lượng bã nhờn sản xuất quá mức, sự tích tụ của tế bào da chết hoặc các mảnh vụn khác bị tắc trong lỗ chân lông của bạn, khiến chúng bị tắc nghẽn.
Một trong những cách đơn giản nhất nhưng thường bị bỏ qua là đảm bảo bạn uống đủ nước hàng ngày. Một điều quan trọng khác cần cân nhắc trong quy trình chăm sóc da của bạn, đặc biệt là khi đối mặt với mụn trứng cá, là sử dụng kem dưỡng ẩm chống nắng. Ngoài ra, nếu bạn dễ bị nổi mụn ở vai, chủ yếu là do các yếu tố như ma sát từ quần áo, bạn nên chọn quần áo rộng rãi và thoáng khí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!