Trẻ em không muốn ăn trong bữa cơm vì nhiều nguyên nhân. (Ảnh: Weibo)
Trẻ kén ăn, biếng ăn, không chịu ăn là điều khiến nhiều bậc cha mẹ phiền lòng. Điều này khiến trẻ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển bình thường, làm giảm khả năng miễn dịch, gây tổn hại đến sự phát triển trí tuệ.
1. Nấu ăn nhạt và tạo hương vị thơm ngon: Trẻ càng ăn nhạt và được tiếp xúc với nhiều loại thực phẩm khác nhau ngay từ đầu đời thì càng ít có khả năng kén ăn.
Vì vậy ngay từ khi cho trẻ ăn dặm, nên chú ý bớt nêm gia vị vào bữa ăn và cố gắng sử dụng những thực phẩm tự nhiên để làm gia vị, chẳng hạn như vị ngọt của bí đỏ, vị chua của cà chua.
Ngoài ra, món ăn nên đa dạng. Trước 4 tuổi, khả năng nhai của trẻ kém xa so với người lớn nên bữa ăn của trẻ được nấu mềm hơn, thái nhỏ hơn để trẻ không bị nôn ra các loại rau, thịt dạng sợi do khó nhai và khó nuốt.
Về việc ăn bao nhiêu và ăn gì, hãy để trẻ tự quyết định. Cha mẹ chỉ có trách nhiệm đưa ra nhiều lựa chọn hơn và làm gương trong việc ăn uống cho con. (Ảnh: Weibo)
2. Đừng ép buộc trẻ, hãy cho trẻ nhiều sự lựa chọn: Đừng bao giờ ép trẻ ăn những thứ trẻ không thích. Trẻ em vốn có tính sợ hãi và kháng cự với những món ăn mới mà chúng chưa từng ăn trước đây và có thể phải mất hơn 10 lần thử chúng mới dần dần chấp nhận được.
Vì vậy, việc trẻ không muốn ăn cũng không thành vấn đề. Chúng ta nên bày những món ăn mới, hoặc thay đổi cách chế biến.
3. Môi trường ăn uống và thói quen ăn uống tốt: Khi ăn, người lớn nên giảm bớt can thiệp vào trẻ, đừng chỉ trích trẻ trong bàn ăn, cũng đừng quá quan tâm đến việc trẻ ăn bẩn hay ăn chậm. Khuyến khích trẻ tự ăn để trẻ ăn chăm chú hơn, đồng thời rèn luyện khả năng tự chăm sóc và kỹ năng vận động của trẻ.
Các gia đình cũng đặt ra quy tắc trên bàn ăn như không được ăn vặt trước giờ ăn, không được xem điện thoại, tivi trong lúc ăn để tập trung vào món ăn. Để con trải nghiệm cảm giác đói đúng cách sẽ khiến bữa ăn tiếp theo trở nên ngon miệng hơn.
4. Cho trẻ tham gia các hoạt động thực hành và tìm hiểu về thực phẩm:
Trẻ con chỉ nhìn thấy những món ăn được nấu chín trên bàn mà không biết những món ăn này trông như thế nào trước khi nấu. Vì thế chúng ta có thể đưa con đi chợ mua rau, tận mắt nhìn và chạm vào đồ ăn. Sau khi về nhà, hãy rủ con vào bếp. Chứng kiến thức ăn thay đổi từng bước, cộng thêm việc tự mình làm và bắt tay vào làm, sự hiểu biết của trẻ về thức ăn cũng sẽ thay đổi, trẻ sẽ thích nếm thử món ăn do chính mình nấu hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!