Giấc ngủ mang lại rất nhiều lợi ích, từ việc cải thiện tâm trạng, tăng năng suất làm việc cho đến cung cấp năng lượng cho một trái tim khỏe mạnh. Điều đó cũng có nghĩa là, thiếu ngủ sẽ đảo ngược những ưu điểm trên, gây ra rất nhiều vấn đề về sức khỏe, cả về thể chất và tinh thần. Dưới đây là những tác hại không ngờ từ việc thiếu ngủ mà bạn cần biết.
1. Gây ra tình trạng “vi ngủ”
Một tác động thực tế và tiềm tàng nguy hiểm của việc thiếu ngủ là tình trạng “vi ngủ”: cơ thể dễ “đổ gục”, ngất đi và chìm vào giấc ngủ bất thình lình. Giấc ngủ ngoài chủ ý này có thể xảy ra ngẫu nhiên, ngay cả khi bạn đang làm việc hoặc thực hiện hoạt động quan trọng nào đó mà cơ thể không hề nhận ra. Tính chất bất ngờ đó khiến “vi ngủ” trở thành một tình trạng nghiêm trọng, dễ dàng gây nguy hiểm cho cả người ngủ lẫn những người xung quanh.
2. Da lão hóa
Thiếu ngủ khiến cơ thể tạo ra cortisol, chất này có thể phá vỡ collagen, vốn là loại protein giữ cho làn da có diện mạo tươi trẻ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người có giấc ngủ ngon có điểm số lão hóa da thấp hơn những người ngủ không tốt hoặc thiếu ngủ.
3. Ảnh hưởng đến khả năng đánh giá
Một nghiên cứu đã theo dõi 26 người bị thiếu ngủ chỉ trong 2 ngày. Những người này được giao nhiệm vụ đưa ra đánh giá của mình về những tình huống khó xử khác nhau về mặt đạo đức. Kết quả cho thấy rằng, những người này gặp khó khăn nhiều hơn trong việc trả lời các câu hỏi phức tạp do thiếu ngủ trước đó.
4. Tác động tiêu cực đến cảm xúc
Theo giáo sư David Dinges, thiếu ngủ có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cảm xúc. Không những khiến bản thân trở nên cáu kỉnh và bực bội, ngủ không đủ giấc còn cản trở việc thể hiện cảm xúc tích cực trên khuôn mặt. Do vậy, với một người thiếu ngủ thì biểu cảm tích cực cũng khó để có thể nhận biết hơn.
5. Dẫn đến ảo giác và rối loạn tâm thần
Không ngủ trong thời gian dài có thể kéo theo một loạt “trải nghiệm” bất thường, bao gồm biến dạng tri giác và cả ảo giác. Các thức nhiều và ít ngủ bao nhiêu, các triệu chứng loạn thần sẽ phát triển nhiều bấy nhiêu. Những triệu chứng này có thể bao gồm từ nhận thức hình ảnh sai lệch cho đến ảo ảnh, ảo tưởng, thậm chí còn có thể dẫn đến rối loạn tâm thần cấp tính.
6. Tổn hại não bộ
Ảnh hưởng lâu dài của việc thiếu ngủ rất khó nghiên cứu ở người vì lý do đạo đức, tuy nhiên nhưng thiếu ngủ đã được ghi nhận là có liên quan đến chứng tâm thần phân liệt và sa sút trí tuệ. Không chỉ vậy, đã có nghiên cứu chỉ ra rằng thiếu ngủ có thể khiến não thu nhỏ kích thước. Giấc ngủ lành mạnh là yếu tố quan trọng để có một bộ não hoạt động tốt.
7. Tăng cân
Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Chicago (Mỹ) đã xác nhận mối liên hệ giữa việc gia tăng cảm giác thèm ăn và thiếu ngủ. Đội ngũ nghiên cứu phát hiện rằng khi ngủ không tròn giấc, người ta tiêu thụ nhiều đồ ăn vặt và đồ ăn nhẹ không lành mạnh hơn. Một trong các nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Hanlon, giải thích rằng cơn đói bụng sẽ được kiểm soát tốt hơn khi ngủ đủ giấc. Ông lưu ý rằng, nếu thiếu hụt giờ ngủ, nhu cầu và mong muốn được ăn trở nên mạnh mẽ hơn đáng kể, khiến khả năng khước từ thực phẩm giảm sút.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!