Thở dài là một hơi thở dài, sâu và có thể nghe được, nó không chỉ quan trọng về mặt sinh lý để duy trì chức năng phổi khỏe mạnh mà còn liên quan đến cảm xúc của chúng ta. Theo các chuyên gia, thở dài vốn được coi là một hình thức mang ý nghĩa là chúng ta không hài lòng và thường bị coi là phản ứng tiêu cực vì chúng ta thường làm như vậy khi bị kích thích, chán nản, buồn bã, thất vọng hoặc bực bội.
Nhưng một nghiên cứu của Đại học Stanford, được công bố vào tháng 1 năm 2023 trên tạp chí Cell Reports Medicine, thì việc thở dài có khả năng làm giảm căng thẳng và làm dịu sự lo lắng.
Thở và căng thẳng
Thở thường không đòi hỏi bất kỳ suy nghĩ có ý thức nào vì nó được kiểm soát bởi hệ thần kinh tự chủ hoặc không tự nguyện. Nhưng khi chúng ta cảm thấy căng thẳng, hơi thở của chúng ta thay đổi đáng kể - theo Phó giáo sư Justine Gatt, giám đốc Trung tâm Sức khỏe và Phục hồi NeuRA cho biết.
"Khi căng thẳng, hệ thần kinh giao cảm của chúng ta bị kích hoạt, còn được gọi là 'phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy'" - Phó giáo sư Gatt giải thích - "Một phần của phản ứng này bao gồm tăng nhịp thở, cũng như các phản ứng sinh lý khác bao gồm tăng nhịp tim, đổ mồ hôi và tăng lưu lượng máu đến các cơ tay và chân của chúng ta.
"Mục đích của cơ chế này là giúp cơ thể chúng ta sẵn sàng chiến đấu hoặc bỏ chạy".
Phó giáo sư Gatt cho biết một số người cũng áp dụng phương pháp thở ngực trên khi họ bị căng thẳng.
"Điều này bao gồm các hơi thở nhỏ, nông bằng vai thay vì cơ hoành" - bà giải thích - "Nhưng dạng thở nông này có thể phá vỡ sự cân bằng của các khí như carbon dioxide và có thể dẫn đến tình trạng thở gấp, làm trầm trọng thêm cảm giác căng thẳng và lo lắng vì chúng ta nhận thức được nhịp thở nhanh hơn của mình một cách có ý thức".
Thở dài theo chu kỳ là gì?
Có rất nhiều chiến lược mà chúng ta có thể sử dụng để giảm căng thẳng, bao gồm nhiều hình thức thở khác nhau như thở Buteyko, do một bác sĩ người Ukraine phát triển để giúp kiểm soát bệnh hen suyễn và các kỹ thuật Pranayama được sử dụng trong yoga. Tuy nhiên, nghiên cứu của Đại học Stanford tập trung vào thở dài theo chu kỳ.
Một bài tập thở có kiểm soát, thở dài theo chu kỳ bao gồm hít vào bằng mũi, hít vào lần thứ hai sâu hơn để mở rộng hoàn toàn phổi của bạn, sau đó từ từ thở ra hết không khí qua miệng. Nghiên cứu đã so sánh thở dài theo chu kỳ với hai thói quen thở có kiểm soát khác - một nhấn mạnh vào việc hít vào và một yêu cầu hít vào và thở ra bằng nhau - và với thiền chánh niệm.
Mỗi người trong số 111 tình nguyện viên thực hiện các bài tập được giao trong năm phút mỗi ngày trong một tháng và kết quả cho thấy năm phút thở dài theo chu kỳ hàng ngày có hiệu quả hơn trong việc giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng. Ngoài ra, các tác động về mặt sinh lý và tâm lý của thở dài theo chu kỳ dường như kéo dài theo thời gian.
Lợi ích của thở dài theo chu kỳ
Bác sĩ trị liệu thiên nhiên và chuyên gia thở Buteyko Jean Jarrett của Elemental Health tại Sydney, cho biết thở dài theo chu kỳ có nhiều lợi ích.
"Thở dài theo chu kỳ giúp cân bằng nồng độ carbon dioxide và oxy trong cơ thể" - bà nói - "Điều này có một số lợi ích cho sức khỏe bao gồm cải thiện huyết áp, tăng hiệu suất tập thể dục và giảm căng thẳng".
Jarrett cho biết thở dài theo chu kỳ cũng giúp kích thích cơ hoành.
"Cơ hoành hỗ trợ tiêu hóa và giúp hệ bạch huyết của chúng ta di chuyển, điều này rất quan trọng đối với sức khỏe miễn dịch và quá trình giải độc của chúng ta" - bà lưu ý - "Hít thở sâu, nhẹ nhàng và bình tĩnh cũng giúp thiết lập lại dây thần kinh phế vị, kiểm soát hệ thần kinh phó giao cảm và giúp cải thiện khả năng tập trung, giúp tâm trí bình tĩnh hơn, tiêu hóa tốt hơn và ngủ sâu hơn".
Nếu bạn thấy khó thực hiện bài tập thở trong năm phút, Phó giáo sư Gatt gợi ý bạn nên thử một bài tập kết hợp kiểm soát hơi thở – chẳng hạn như yoga, thái cực quyền hoặc các bài thiền cụ thể.
"Tuy nhiên, bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ bài tập thở nào, đặc biệt là nếu bạn có bất kỳ tình trạng bệnh lý nào hoặc đang dùng thuốc ảnh hưởng đến hơi thở" - Phó giáo sư Gatt cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!