“Thổi làn gió mới” cho du lịch Chiềng Đi, Vân Hồ

Giang Châu, Thu Huyền, Nguyễn Chiến-Thứ hai, ngày 30/10/2023 10:19 GMT+7

VTV.vn - Vẫn là những đồi chè, vườn mận, vẫn là bản sắc văn hóa của đồng bào, nhưng khi có thêm tình yêu của người Kinh, bản Chiềng Đi 1 trở nên thi vị và giàu tính nghệ thuật.

Chiềng Đi là vùng giáp ranh giữa Vân Hồ - Mộc Châu (Sơn La). Mảnh đất này được thiên nhiên ưu ái với địa thế lý tưởng: lưng tựa vào dãy núi thiêng, hướng nhìn thẳng ra thảo nguyên rộng lớn, bao bọc là những cánh rừng và đồi chè xanh mướt, khí hậu mát mẻ trong lành.

Tuy nhiên, Chiềng Đi chỉ thực sự phát triển và thay đổi diện mạo trong 2 năm gần đây. Một phần nhờ vào chính sách quan tâm, hỗ trợ của tỉnh Sơn La theo dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch". Phần còn lại là nhờ vào tâm huyết của những người Kinh "lỡ" đem lòng yêu Tây Bắc.

"Chiềng Đi" trong tiếng Thái nghĩa là "Bản đẹp". Không chỉ đẹp về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, nơi đây còn đẹp hơn khi được tiếp thêm yếu tố nghệ thuật, kể từ khi "Bản Art" ra đời.

Bản Art là dự án cộng đồng của một nhóm nghệ sĩ mong muốn hỗ trợ đồng bào vùng cao. Nhóm dành tặng bà con nhà sàn, đồ dùng để làm du lịch, vận động người dân phục dựng lại những ngôi nhà truyền thống, duy trì tập tục văn hóa lâu đời, nhưng vẫn sáng tạo để thích nghi với nhu cầu hiện tại của du khách.

Bản Art Stay được tạo ra, là một quần thể lưu trú gắn với văn hoá và thiên nhiên, nằm trong một thung lũng nhỏ tại Chiềng Đi 1, Vân Hồ, Sơn La. Chỉ hơn 3h di chuyển từ Hà Nội, du khách có thể đứng trên đỉnh núi phóng tầm mắt tới chân trời xanh ngắt và thả hồn lơ lửng như những đám mây. Ở đây có vài ngôi nhà mới của người Kinh lên sinh sống, đan xen với những nhà sàn truyền thống của người bản địa.

“Thổi làn gió mới” cho du lịch Chiềng Đi, Vân Hồ - Ảnh 3.

Vẻ đẹp nguyên sơ và lãng mạn của các homestay ở Bản Art

Với mục đích ban đầu chỉ đơn thuần là có chốn nghỉ ngơi mỗi dịp cuối tuần, cho con có tuổi thơ đẹp hơn, cho bố mình có nơi nghỉ hưu khi về già, chị Nguyễn Đào Phú Minh, một nhà thiết kế thời trang ở Hà Nội đã quyết định dựng nhà kết hợp làm homestay, đồng hành cùng bàn con phát triển du lịch cộng đồng.

Chị Minh chia sẻ: "Mình có một anh bạn là kiến trúc sư nói rằng, nếu mình chỉ xây một ngôi nhà để ở, không kinh doanh, thì lúc ban đầu mình trang hoàng nó, nhưng sau dần mình sẽ không có nhu cầu làm đẹp nó hơn nếu nhà không có khách đến. Nên mình tiếp khách nhẹ nhàng, để có động lực hôm nay trồng thêm bông hoa này, ngày mai vun xới mảnh đất kia. Với nếu không có khách thì bố mình ở đây cũng buồn".

Homestay của gia đình chị Minh pha trộn giữa nét đẹp truyền thống và phong cách hiện đại, tựa như một ngôi nhà cổ tích ở đồng quê nước Pháp

Lấy cảm hứng và động lực từ những người tiên phong lên Chiềng Đi hỗ trợ bà con, chị Minh nhận phụ trách chính việc kinh doanh homestay cho cả bản. Tuy nhiên, việc bán phòng homestay của người bản địa đang gặp khó khăn, bởi dù đã được hướng dẫn thì người dân cũng chưa làm được chi tiết, tỉ mỉ, họ cũng thiếu gu thẩm mỹ để tạo ra những không gian mang lại cảm giác "chill" cho du khách.

Theo chị Minh, chị phải ưu tiên giới thiệu homestay của bà con khi khách hỏi phòng, cần tư vấn, tuy nhiên khi nhìn ảnh thì đa số họ vẫn chọn homestay của người Kinh như gia đình chị. Đến những dịp lễ, nhu cầu tăng cao thì mới dễ bán phòng cho bà con.

Nhắc đến Chiềng Đi, người ta còn nhớ đến phiên chợ vùng cao cuối tuần với nhiều hoạt động đặc sắc. Khi ánh nắng nhường chỗ cho những ánh đèn là khoảng thời gian chợ phiên sôi động nhất. Du khách có thể thưởng thức nhiều món ăn đặc sản Tây Bắc như lợn bản, gà đồi, cơm lam... Tại đây, bà con cũng bán thêm nhiều đồ thổ cẩm và nông sản để khách du lịch mang về làm quà.

Chợ phiên không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, mà còn góp phần xây dựng điểm đến du lịch, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc riêng có ở vùng cao.

Thưởng thức đồ ăn nóng hổi ngay tại chợ phiên, trong không khí se se lạnh là một trải nghiệm thú vị

Bên cạnh đó, bà con ở Chiềng Đi đã biết gìn giữ và lan tỏa những giá trị, phong tục cổ truyền của dân tộc khi cùng chung tay dựng nên "Bảo tàng" - nơi lưu giữ bao sản phẩm, vật dụng mang đậm hơi thở đồng bào Dao, Thái, Mường, Mông.

Đây là thành quả của cả một quá trình vận động người dân chung sức chung lòng, ai có ít mang ít, ai có nhiều mang nhiều, để Bản Art có thêm một không gian cho du khách trải nghiệm những giá trị mộc mạc từ quá khứ.

Những trang phục, vật dụng gắn liền với đời sống của dân bản được trưng bày ở bảo tàng

Anh Vàng A Thanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Chiềng Đi 1 cho biết, hiện bản có 174 hộ với hơn 800 nhân khẩu. Ngoài công việc chính là làm nông, bà con trong bản đã biết phát triển kinh doanh homestay, làm du lịch cộng đồng để cải thiện thêm thu nhập. Cũng là một hộ làm homestay với A Thanh H’mong Ethnic Homestay, anh Thanh mong muốn được đầu tư, hỗ trợ vốn để phát triển du lịch bài bản và chuyên nghiệp hơn.

Vào các dịp lễ lớn hay Tết đến xuân về, homestay của người dân thường kín chỗ vì lượng khách cao. Điều này đã tạo niềm tin và động lực lớn để bà con tiếp tục ổn định, duy trì và phát huy thêm tiềm lực du lịch cho Chiềng Đi.

Hiện những cư dân ở Bản Art đang xây dựng thư viện cộng đồng cho trẻ nhỏ có chỗ đọc sách, tập vẽ, học nhạc,…Với slogan "Đã lên núi, phải ở Bản", cộng đồng ở đây mong muốn du khách vừa được trải nghiệm sự bình yên của tạo hóa, đắm chìm trong giao thoa văn hóa, nhưng cũng có cảm giác ấm áp như được về nhà.
















* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước