Tiến sĩ, nhà thơ Trương Mỹ Nhân: Niềm vui của tôi là được viết

PV-Thứ bảy, ngày 14/09/2019 10:23 GMT+7

Nhà thơ Trương Mỹ Nhân

VTV.vn - Nhà thơ Trương Mỹ Nhân chia sẻ rằng, với chị, điều vui nhất của người viết là được viết và viết được.

Tiến sĩ , nhà thơ Trương Mỹ Nhân có cách sống đầy bản lĩnh, một sự lao động đầy say mê và thơ ca của chị còn chứa đựng những điều tuyệt vời.

- Xuất phát điểm là một nhà giáo, trong hành trình sáng tạo thơ ca, mọi thử thách của cuộc đời đã đến với chị thế nào?

Hình như cuộc đời ít khi cho tôi quyền chọn lựa, cảm xúc cứ thế đến, đặt nó vào tay tôi và bắt viết. Khi đó, dường như tôi là một con người khác, cứ để cảm xúc thăng hoa trong từng con chữ, mặc kệ mọi thứ xung quanh. Thơ có vui, có buồn, có đau khổ có hạnh phúc, cũng như con người có buồn có vui. Tôi không chỉ viết về niềm vui, nỗi buồn mình trải nghiệm qua, mà còn của bạn bè, của những người tôi gặp, những việc tôi quan sát. Cứ nhẹ nhàng thế mà đi qua.

- Là một người viết tôi thấy: cảm được thơ không hề đơn giản. Vậy mà chị đã "chạm" đến hang cùng ngõ hẻm của thơ. Con chữ của chị đầy màu sắc, đường nét như một bức tranh vậy. Ưu điểm của thơ phải chăng là thứ ngôn ngữ không cần phiên dịch?

Tôi xem như đây là một lời khen bởi tôi chưa từng qua một trường lớp nào, tôi viết như một bản năng. Không phải ai cũng thích đọc thơ, thơ đòi hỏi thứ ngôn ngữ chắt lọc, cô đọng, đôi khi hơi trừu tượng, buộc con người phải tư duy. Nhưng như vậy mất thời gian lắm, cuộc đời còn bao việc phải lo. Với tôi, thơ thuần túy là cảm xúc tôi muốn trao gửi cho đời, cho người. Thế nên, viết thế nào để "chạm gần" đến được mong ước đó là được.

- Tại sao một giảng viên chuyên ngành kinh tế bước đầu trên con đường thi ca đã có những thành công? Chắc chắn để thành công chị đã có những điều được và mất?

Chả biết những người khác nghĩ thế nào nhưng với tôi, cái vui nhất của người viết là được viết và viết được. Không cần phải quá to tát, cao siêu, chỉ một chiếc lá sấu rơi, chỉ một buổi chiều hoàng hôn đời lăn khe khẽ trên đồi Vọng Cảnh, một buổi sáng mờ sương thương sen Hồ Tây, một tiếng chim gù, một nhành ban trắng sà áo sáng đến giảng đường, hay chỉ là một trận ốm quay cuồng, một đêm cô đơn thèm nghe tiếng người cũng đã thành một tứ thơ đầy hình ảnh. Cuộc đời con người, được mất song hành. Ông Trời công bằng lắm, có cho ai quá nhiều và có lấy của ai quá nhiều đâu. Tôi cũng ngụp lặn với đời đủ hết cung bậc, từ đó tìm thấy một con đường cho mình, yêu thứ mình có, trân trọng thứ mình đã mất, say đắm ngôn tình với thơ ca, trà đạo.

- Cho tới thời điểm này tôi thấy chị đã đi được một quãng đường khá dài nhưng những cái khó nhất vẫn luẩn quẩn đâu đây. Phải chăng chị đang có những điều ấp ủ?

Tôi có nhiều dự định lắm, đặc biệt phải làm gì đó cho những người phụ nữ trầm cảm và những em bé tự kỷ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngoài chăm sóc các con, mong muốn các con có một cuộc sống thật nhiều tiếng cười an nhiên, tôi còn công việc của một nhà giáo, tôi còn thú vui về chế biến thức uống từ trà, tôi còn say đắm thơ ca, giá như một ngày có hơn 24 tiếng, có lẽ tôi sẽ làm được nhiều hơn.

Tiến sĩ Trương Mỹ Nhân, quê Hà Tĩnh, giảng viên Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia, hiện sinh sống tại Hà Nội. Chị là tác giả của hai tập thơ Mắt của mùa, Người buồn rót nước pha trà thành thơ. Với tập thơ mới nhất, chị dành toàn bộ tiền bán thơ (100 triệu đồng) gây quỹ dành cho trẻ tự kỷ và phụ nữ trầm cảm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước