Được lên kế hoạch để trở thành tòa nhà cao thứ 2 thế giới sau khi hoàn thiện vào năm 2022, Merdeka 118 tại Malaysia cao hơn tháp Thượng Hải gần 640m và chỉ thua kém tháp Burj Khalifa tại Dubai.
Trong buổi lễ chúc mừng việc hoàn thành một phần tháp vào hôm thứ ba vừa qua, thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã mô tả công trình này là “tòa tháp biểu tượng cho tương lai”. Ông chia sẻ với các phóng viên: “Đây không chỉ là một thành tựu lớn trong lĩnh vực kỹ thuật mà còn giúp củng cố hơn nữa vị thế của Malaysia như một quốc gia hiện đại và phát triển”.
Trải rộng gần 300.000 mét vuông sàn, hơn một nửa tòa nhà sẽ được dùng làm các văn phòng, nơi làm việc. Phần còn lại của nhà sẽ dành cho trung tâm mua sắm, nhà thờ Hồi giáo, khách sạn Park Hyatt, không gian công cộng, một công viên ở tầng trệt và đài quan sát cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Merdeka 118 nằm trong một khu vực mang đậm ý nghĩa lịch sử của Kuala Lumpur, nhìn ra sân vận động Merdeka nơi cựu lãnh đạo Tunku Abdul Rahman đã tuyên bố độc lập cho Malaysia vào năm 1957. Nơi này cũng sẽ có một bức tượng điêu khắc mô tả hình ảnh Rahman giơ tay và hét lớn “merdeka” (có nghĩa là độc lập trong tiếng Malaysia) hơn 6 thập kỉ trước.
Fender Katsalidis – chuyên gia kiến trúc đứng sau dự án này cho biết các mặt phẳng kính hình tam giác trên mặt tiền của tòa nhà được lấy cảm hứng từ hoa văn nghệ thuật và thủ công của Malaysia. Chi tiết này cũng đồng thời mang tính biểu tượng, đại diện cho nền văn hóa phong phú của con người và đất nước này. Karl Fender – một trong những đối tác quan trọng cho biết Merdeka 118 đã được xây dựng để làm giàu năng lượng xã hội và nền văn hóa của thành phố. Ông chia sẻ: “Thành tựu là tòa nhà cao thứ 2 trên thế giới đã chứng tỏ được sức mạnh của con người trong việc hợp tác, nỗ lực để hiện thực hóa một công trình phức tạp đến như vậy. Đây cũng là một phần thưởng đáng hoan nghênh”.
Merdeka 118 đã được công bố kế hoạch từ năm 2010 và chính thức khởi công cách đây 5 năm. Dù đã dự kiến được mở cửa trong năm này, các biện pháp nghiêm ngặt được chính phủ Malaysia áp dụng để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh dịch COVID-19 đã khiến kế hoạch này bị tạm dừng từ tháng 3 năm 2020.
Được biết, việc xây dựng Merdeka 118 ban đầu đã dấy lên một mối lo ngại với các nhà bảo tồn di sản về những tác động tiêu cực của nó đến lịch sử, văn hóa của thành phố. Trên thực tế, đường chân trời của Kuala Lumpur đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các tòa nhà chọc trời trong những thập kỉ gần đây. Thành phố này đang là thành phố cao thứ 13 trên thế giới theo số liệu của Hội đồng về các tòa nhà cao và môi trường đô thị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!