TP Buôn Ma Thuột: Mục tiêu phát triển bền vững trở thành đô thị Trung tâm vùng Tây Nguyên

Thanh Hải-Thứ năm, ngày 21/11/2024 17:43 GMT+7

VTV.vn - Nhân dịp kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk, ông Vũ Văn Hưng- Chủ tịch TP Buôn Ma Thuột đã trao đổi với Thời báo VTV về mục tiêu xây dựng và phát triển TP này sắp tới.

Bước tiến phát triển bền vững trở thành đô thị Trung tâm vùng Tây Nguyên

Phóng viên: Nhân dịp kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk, 120 năm thành lập Buôn Ma Thuột hình thành và phát triển (22/11/1904-22/11/2024). Xin ông cho biết, định hướng phát triển của thành phố Buôn Ma Thuột thời gian tới?

Ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch TP Buôn Ma Thuột: Dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới luôn có những thời cơ, thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen; cơ chế chính sách đặc thù bắt đầu được thực hiện và ổn định cho 5 năm (2023-2027) đã mang lại nhiều cơ hội để thành phố tiếp tục phát triển; phát huy những kết quả đạt được, khắc phục các khuyết điểm, hạn chế và phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột với tốc độ nhanh và bền vững trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Thành phố đã đề ra định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:

I - Tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong các cấp, các ngành và Nhân dân trong việc tổ chức thực hiện Kết luận số 67-KL/TW, Nghị quyết số 103/NQ-CP và Nghị quyết số 72/2022/QH15; triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm sớm đưa Nghị quyết vào thực tiễn. Khai thác hiệu quả lợi thế cảnh quan thiên nhiên, sinh thái, giá trị văn hóa, tạo hình ảnh đô thị có bản sắc riêng. Phát triển mạnh các thành phần kinh tế để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, đảm bảo môi trường, tiếp tục đầu tư xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tập trung nguồn lực để xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

TP Buôn Ma Thuột: Mục tiêu phát triển bền vững trở thành đô thị Trung tâm vùng Tây Nguyên - Ảnh 2.

Ông Vũ Văn Hưng-Chủ tịch TP Buôn Ma Thuột cho biết: Thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, có vị trí chiến lược rất quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thành phố là đầu mối giao thông kết nối các tỉnh Tây Nguyên.

II-Tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 72/2022/QH15 của Quốc hội.

Huy động, khai thác và sử dụng thật hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố.

Về An ninh – Quốc phòng: Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh về quân sự - quốc phòng và đảm bảo an ninh trật tự; trọng tâm tập trung và triển khai nghiêm túc, hiệu quả  nhiệm vụ xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh làm tiền đề an toàn cho việc thúc đẩy nhiệm vụ phát triển Kinh tế - Xã hội của thành phố nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung.

III-Tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Kết luận, Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, tỉnh, thành phố trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2023, tầm nhiền đến năm 2045 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh để khẳng định vị thế là thành phố phát triển nhất của Vùng, sớm trở thành đơn vị đô thị trung tâm Vùng Tây Nguyên như định hướng Kết luận số 67-KL/TW.

Phóng viên: Thành phố Buôn Ma Thuột đã xác định đâu là những yếu tố then chốt để xây dựng thành công “Thành phố cà phê của thế giới”?

Ông Vũ Văn Hưng-Chủ tịch TP Buôn Ma Thuột: Để xây dựng thành phố cà phê của thế giới, trước tiên phải có sự đồng hành của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đây là yếu tố rất quan trọng then chốt để tạo được sự thành công, nếu không có yếu tố này sẽ không thể thành công. Yếu tố thứ hai là hoàn thiện kết nối giao thông với các vùng lân cận và cả nước để giao thương hàng hoá và thuận tiện cho du khách đến với thành phố Buôn Ma Thuột. Thứ ba là các giá trị sản phẩm gia tăng của cây cà phê phải được nâng cao và thực hiện tại Buôn Ma Thuột thì từ đó mới nâng cao giá trị gia tăng của cà phê.

Trong Nghị quyết 103 của Chính phủ có Đề án Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành "Thành phố cà phê của thế giới", chúng tôi đang trình cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ của Đề án này. Khi Đề án được phê duyệt sẽ có phân công nhiệm vụ cụ thể của các Sở, ngành của Tỉnh, của Thành phố và đặc biệt có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp làm gì và cụ thể trong nội dung này; trong đó sẽ liên quan đến việc kêu gọi các tổ chức, các doanh nghiệp vào xây dựng "Thành phố cà phê của thế giới".

Ngoài xây dựng đề án, trong xây dựng quy hoạch chung của thành phố Buôn Ma Thuột có tính đến việc tạo ra những không gian cho cây cà phê, nơi trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ cà phê trên địa bàn Thành phố. Đây là điều kiện để tạo ra nét riêng của Buôn Ma Thuột khi xây dựng "Thành phố cà phê của thế giới".

Phóng viên: Để trở thành Thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”, những kế hoạch sắp tới là gì?

Ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch TP Buôn Ma Thuột: Buôn Ma Thuột có thể đạt được mục tiêu này, sự hỗ trợ từ Trung ương là vô cùng quan trọng và cần thiết. Chúng tôi cần sự hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực. Trước hết là các chính sách ưu đãi về thuế và tài chính để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê. Hiện tại, chỉ khoảng 20% sản lượng cà phê được chế biến sâu, trong khi nhu cầu tiêu thụ cà phê chế biến ngày càng tăng trên toàn thế giới​.

TP Buôn Ma Thuột: Mục tiêu phát triển bền vững trở thành đô thị Trung tâm vùng Tây Nguyên - Ảnh 3.

TP Buôn Ma Thuột xây dựng thương hiệu “Thành phố cà phê của thế giới”.

Ngoài ra, chúng tôi rất cần Trung ương đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông. Ví dụ như dự án cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang, nếu được hoàn thành trước năm 2030, sẽ là tuyến giao thông huyết mạch giúp Buôn Ma Thuột kết nối dễ dàng với các cảng biển lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu cà phê​.

Trung ương cũng cần hỗ trợ trong việc xúc tiến thương mại quốc tế và quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ra thế giới. Các sự kiện như Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cần có sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các nhà nhập khẩu lớn để thu hút sự chú ý từ thị trường toàn cầu.

Về phía địa phương, chúng tôi đã và đang chỉ đạo các phòng chuyên môn cùng với các xã, phường tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh đảm bảo những tiêu chuẩn. Thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cà phê tại các vùng nguyên liệu, trong đó áp dụng các tiêu chuẩn của cà phê sạch và cà phê chất lượng cao. Từ đó người dân được hưởng lợi ở sản phẩm, đó là cà phê có giá cao hơn so với bình thường khi các doanh nghiệp bao tiêu.

Ngoài ra, Thành phố đã và đang xây dựng các đề án liên quan đến xây dựng các sản phẩm chủ lực của Thành phố, trong đó đã xây dựng đề án về nông nghiệp đô thị sinh thái gắn với du lịch và tập trung vào sản phẩm cà phê; Kết hợp với các tour du lịch để đưa khách du lịch đến trải nghiệm trồng, chế biến tại vườn cà phê này…Đây là những tiêu chí mà thành phố đang triển khai và xây dựng từng bước Buôn Ma Thuột trở thành "Thành phố cà phê của thế giới".

TP Buôn Ma Thuột: Mục tiêu phát triển bền vững trở thành đô thị Trung tâm vùng Tây Nguyên - Ảnh 4.

Đắk Lắk được mệnh danh là “thủ phủ” cà phê Việt Nam, bởi diện tích và sản lượng luôn đứng đầu cả nước. Nhiều năm qua, cà phê là nông sản chủ lực trong cơ cấu kinh tế, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đắk Lắk đang xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.

Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng nhất, theo chúng tôi, đó là sự đồng lòng và tham gia của cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị. 

Để Buôn Ma Thuột trở thành "Thành phố cà phê của thế giới", là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, chính quyền địa phương không thể tự mình thực hiện những kế hoạch lớn mà cần sự hợp tác, chung tay từ tất cả các tầng lớp Nhân dân và doanh nghiệp. Sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp cùng thực hiện các chính sách phát triển, đặc biệt trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa, Thành phố sẽ có nền tảng vững chắc và động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Những yếu tố này, kết hợp với các chính sách phát triển toàn diện và sự hỗ trợ từ Trung ương, sẽ giúp Buôn Ma Thuột đạt được mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và là "Thành phố cà phê của thế giới".

Phóng viên: Thành phố Buôn Ma Thuột hiện có nhiều văn hoá mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, để định hướng sự bền vững bản sắc này, chủ trương của thành phố Buôn Ma Thuột có đề án gì?

Ông Vũ Văn Hưng-Chủ tịch TP Buôn Ma Thuột: Thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của tỉnh Đắk Lắk, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên; hiện nay thành phố có 19 đơn vị hành chính gồm 11 phường và 8 xã (với 246 thôn, buôn, tổ dân phố); dân số trên 500.000 người, gồm 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 16% dân số; có 40 dân tộc cùng sinh sống, tạo nên văn hóa đa dạng và mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số; "Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên", "Buôn trong phố", lễ hội truyền thống, văn hóa bến nước, nhà dài, ẩm thực... của dân tộc Êđê và các DTTS khác, đã góp phần đã tạo nên nét đặc trưng riêng của thành phố Buôn Ma Thuột. 

TP Buôn Ma Thuột: Mục tiêu phát triển bền vững trở thành đô thị Trung tâm vùng Tây Nguyên - Ảnh 5.

Đường Võ Nguyên Giáp vừa được khánh thành, tạo tiền đề phát triển đô thị phát triển TP Buôn Ma Thuột về Kinh tế- Xã hội.

TP Buôn Ma Thuột: Mục tiêu phát triển bền vững trở thành đô thị Trung tâm vùng Tây Nguyên - Ảnh 6.

Du khách miền Nam tham quan nhà dài của người Êđê tại buôn Akǒ Dhông, phường Tân Lợi.

Để bảo tồn và phát huy bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, thành phố đã và đang triển khai Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 20/9/2016 của Thành ủy Buôn Ma Thuột và Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 18/4/2022 của UBND Thành phố về thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số thành phố Buôn Ma Thuột giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Qua đó, xây mới và bào tồn phát huy 193 nhà dài; thành lập 04 câu lạc bộ văn hóa dân gian và duy trì hoạt động của 37 câu lạc bộ văn nghệ truyền thống, tổ chức 17 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể như cồng chiêng, múa xoang, hát A ray, đàn tính, hát then, xây dựng; duy trì hoạt động Câu lạc bộ dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS và đưa vào chương trình dạy học tiếng Êđê chính khóa tại các trường Tiểu học, Trung học cơ sở có đông học sinh đồng bào dân tộc Êđê (gồm 1.322 học sinh, với 04 lớp THCS, TH 39 lớp),… 

TP Buôn Ma Thuột: Mục tiêu phát triển bền vững trở thành đô thị Trung tâm vùng Tây Nguyên - Ảnh 7.

Ông Vũ Văn Hưng-Chủ tịch TP Buôn Ma Thuột trao đổi với phóng viên Thời báo VTV về mục tiêu phát triển TP Buôn Ma Thuột.

Đồng thời, ưu tiên phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại 04 buôn (buôn Akǒ Dhông, phường Tân Lợi; buôn Tơng Jú, xã Ea Kao; buôn Kmrơng Prǒng B, xã Ea Tu; buôn Tuôr, xã Hòa Phú) và xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, bản sắc và hiện đại; xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch của khu vực Tây Nguyên. 

Tính đến nay, 02/04 buôn đã được công bố điểm du lịch cộng đồng đó là: Buôn Akǒ Dhông phường Tân Lợi và  Buôn Tơng Jú xã Ea Kao. Để định hướng sự bền vững bản sắc này, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 20/9/2016 của Thành ủy Buôn Ma Thuột về việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) thành phố Buôn Ma Thuột giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, Kết luận số 67-KL/TU, ngày 18/6/2021 Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khoá XV, lần thứ 8 và Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 18/4/2022 của UBND Thành phố.  

Đồng thời đã ban hành Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày triển khai thực hiện Đề án số 08-ĐA/TU ngày 28/3/2022 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó gắn với công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá các DTTS và phát triển các buôn du lịch cộng đồng, phát huy các giá trị di tích Quốc gia trên địa bàn.

Thời Báo VTV xin cám ơn ông!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước