Tranh dân gian qua góc nhìn mới của nghệ sĩ gen Z

Hương Uyên-Thứ sáu, ngày 12/07/2024 17:07 GMT+7

VTV.vn - Triển lãm tranh “Dân gian trong Gen Z” là một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa dân gian Việt Nam trong tâm hồn thế hệ trẻ.

Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp cùng doanh nghiệp sáng tạo Tired City tổ chức triển lãm tranh với chủ đề “Dân gian trong Gen Z”, mang đến một góc nhìn mới mẻ và đầy sáng tạo về văn hóa dân gian Việt Nam. Triển lãm kéo dài đến ngày 31/7, giới thiệu 39 tác phẩm của 3 họa sĩ sinh ra đầu thế kỷ XXI.

Các tác phẩm với ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại được trưng bày tại triển lãm đã khéo léo truyền tải và tôn vinh nét đẹp văn hóa dân gian Việt Nam như tranh Đông Hồ, nghệ thuật Hát Bội và các câu vè đồng dao gắn liền với tuổi thơ nhiều thế hệ. “Dân gian trong Gen Z” không chỉ là một triển lãm nghệ thuật đơn thuần mà còn là một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa dân gian Việt Nam trong tâm hồn thế hệ trẻ. Gen Z đang tiếp nối và sáng tạo trên nền tảng di sản văn hóa truyền thống, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và mang đậm dấu ấn cá nhân.

Tranh dân gian qua góc nhìn mới của nghệ sĩ gen Z - Ảnh 1.

Bức tranh “Con Sen” nằm trong bộ tranh của tác giả Meaptopia. Được lấy cảm hứng và vẽ lại từ bức tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng “Đám cưới chuột”, “Con Sen” miêu tả một “hoàng thượng” mèo quyền lực và sang chảnh luôn cần một đoàn tùy tùng hiện đại theo sau để phục vụ, chăm sóc cẩn thận.

Theo anh Nguyễn Việt Nam (Nhà sáng lập - Giám đốc Công ty sáng tạo Tired City), sau rất nhiều lần hợp tác giữa Tired City và Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cả hai bên đều mong muốn có thể đem lại một màu sắc mới cho khu di tích và tận dụng được các nguồn lực sáng tạo văn hóa.

“Triển lãm lần này mang lại các câu chuyện sáng tạo, các góc nhìn mới về văn hóa. Đây cũng là cơ hội để đặt nền móng cho các hoạt động được tổ chức sau này, giúp Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành một trung tâm văn hóa sáng tạo gần gũi với giới trẻ” - anh Nguyễn Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Lê Xuân Kiêu (Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám) chia sẻ: “Nơi tổ chức triển lãm được gọi là Vườn Ươm, cách đây 10 năm là nơi ươm cây cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tuy nhiên, thông qua triển lãm ‘Dân gian trong Gen Z’, chúng ta có thể gọi nơi đây là nơi ươm mầm những khát vọng sáng tạo. Với những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm, chúng ta thấy rằng sức sống của văn hóa dân tộc, văn hóa truyền thống là mạch nguồn chảy xuyên suốt trong sự sáng tạo của các nghệ sĩ, để chúng ta có thể nhìn thấy văn hóa của dân tộc theo một chiều hướng mới”.

Ông Lê Xuân Kiêu cũng nhấn mạnh, với mong muốn đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành một mạch nguồn sáng tạo, sau triển lãm tranh “Dân gian trong Gen Z”, sắp tới sẽ có thêm nhiều những cuộc triển lãm khác của các bạn trẻ được tổ chức tại đây.

Triển lãm “Dân gian trong Gen Z” trưng bày 39 tác phẩm tranh minh họa sáng tạo của các họa sĩ trẻ thế hệ Z với mong muốn lan tỏa nét đẹp văn hóa dân gian lâu đời, đồng thời ghi dấu những đóng góp của các họa sĩ minh họa trẻ trong việc góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Một số bức tranh tại triển lãm:

Tranh dân gian qua góc nhìn mới của nghệ sĩ gen Z - Ảnh 2.

Một vài bức tranh khác nằm trong bộ tranh “Đông Mèo”, với cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ và hình tượng mèo. Khác với dòng tranh dân gian truyền thống được in từ mộc bản và mang những màu sắc đơn giản, Meaptopia đã vẽ lại bằng cách vẽ kỹ thuật số Digital Painting, sử dụng màu sắc tươi mới và trẻ trung hơn.

Tranh dân gian qua góc nhìn mới của nghệ sĩ gen Z - Ảnh 3.

Tác phẩm “Kính Tổ” nằm trong bộ tranh “Bội Ký” - minh họa lại loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian Việt Nam. “Kính Tổ” tái hiện một trong những việc đầu tiên mà tất cả nghệ sĩ thường làm trước khi bước lên sân khấu là thắp nhang cầu nguyện tổ nghề phù hộ.

Tranh dân gian qua góc nhìn mới của nghệ sĩ gen Z - Ảnh 4.

Dưới góc nhìn của mình, tác giả Vei Vei đã có những biến đổi trong tạo hình nhân vật, mang tính hoạt hình và có màu sắc tươi sáng hơn so với hình ảnh hát bội truyền thống.

Tranh dân gian qua góc nhìn mới của nghệ sĩ gen Z - Ảnh 5.
Tranh dân gian qua góc nhìn mới của nghệ sĩ gen Z - Ảnh 6.

Một vài bức tranh trong bộ “Vè nói ngược” của tác giả PAO. Chọn bài “Bao giờ cho đến tháng Ba” làm cảm hứng chủ đạo để vẽ nên những hình ảnh minh họa dí dỏm, họa sĩ PAO đã mang đến cho khán giả trải nghiệm mới mẻ với thể loại văn học dân gian đặc biệt này. Qua loạt tác phẩm, những hiện tượng thú vị, “ngược đời” trong bài vè càng thêm phần tinh nghịch, ấn tượng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước