Triển lãm nhằm phục hồi và bảo tồn những giá trị nghệ thuật dân gian xưa dưới sự kết hợp hài hoà các dòng chảy văn hoá.
Với 120 tác phẩm tranh dân gian trên chất liệu sơn mài khắc, được thực hiện bởi những họa sĩ đến từ Latoa Indochine, triển lãm “Con đường” mang đến cho những người yêu nghệ thuật một góc nhìn mới mẻ và đầy sáng tạo về dòng tranh truyền thống này.
Đồng thời, góp phần phát triển một nét văn hoá xưa lên tầm cao mới, quyện hoà giữa hơi thở dân gian bình dị trong dòng chảy hiện đại, cấp tiến.
Với quan điểm “Đi đến tận cùng của truyền thông, sẽ gặp hiện đại”, La Toa là dự án chấn hưng các nghề thủ công truyền thống của dân tộc đang dần bị mai một, nhằm đưa những sản phẩm truyền thống tới gần hơn với người dân và bạn bè Quốc tế.
Mục tiêu của Dự án nhằm phục hồi có nghĩa phục hồi lại hồn cốt, sự tinh túy trong cách biểu đạt, linh khí và tinh thần dân tộc từ xa xưa đến nay mà không quên với việc kết hợp hài hòa các dòng chảy văn hóa để tạo nên những dòng sản phẩm truyền thống nhưng mang nét đẹp của hiện đại.
Bắt gặp trong triển lãm là những linh vật thổi hồn vào sự sống động của tranh dân gian là Xích Hổ, Mèo Mướp, Lợn Đàn,… cho tới những câu chuyện được truyền miệng qua các thế hệ như Thạch Sanh, Kim Vân Kiều truyện, Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ,…tất cả đều mang theo nét đặc trưng của thời kì đó.
Mỗi bức tranh dân gian dù là một linh vật, một lát cắt câu chuyện hay một bức tranh toàn cảnh dân gian đều toát lên ý nghĩa tâm linh đồng thời đưa người xem vào không gian của hoài niệm về một thế giới đã từng rất sống động và đầy màu sắc thông qua nghệ thuật khắc hoạ lại trên chất liệu sơn mài khắc một cách tinh vi, sắc sảo.
Hình ảnh trong các bức tranh sơn mài khắc đều được thể hiện sắc nét, có chiều sâu và khi quan sát kĩ sẽ thấy tầng tầng lớp lớp màu được mài rất tỉ mỉ. Tất cả những điều đó giúp cho tranh dân gian trở nên đẹp hơn, hiện đại, sang trọng hơn, giá trị văn hóa nghệ thuật cũng được nâng lên một tầm cao mới.
Đặc trưng của tranh sơn mài khắc là sau mỗi lớp tới một lần mài
Mỗi tác phẩm trước hết được họa sĩ phác thảo, dùng công cụ khắc lõm từng chi tiết để tạo các nét đen như tranh dân gian truyền thống. Tiếp đó dùng then, cánh gián lên màu sơn mài, thếp vàng, thếp bạc,.. mỗi màu là một lớp, sau mỗi lớp là một lần mài. Toàn bộ công đoạn cho một tác phẩm phải lên tới 15 - 20 bước và tốn khoảng 45 - 60 ngày hoàn thiện.
Nhiều dụng cụ được sử dụng để tạo nên một bức tranh sơn mài khắc
Đây là một sự kiện rất ý nghĩa góp phần quan trọng trong Dự án Bảo tồn tranh dân gian Việt Nam. Đồng thời, buổi triển lãm cũng truyền cảm hứng cho những người yêu nghệ thuật những cảm xúc mới mẻ, cảm xúc để tiếp bước những hành trình sáng tạo.
Latoa Indochine và Bảo Tàng Hà Nội - Hanoi Museum phối hợp tổ chức triển lãm “Con đường” - Tranh dân gian Việt Nam trên chất liệu sơn mài khắc sẽ diễn ra từ ngày 8/10 đến ngày 31/12/2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!