Với những chiếc điện thoại trên tay, chúng ta có thể nói chuyện ở mọi lúc, mọi nơi, với nhiều người cùng một lúc. Thế nhưng sự tiện lợi mà công nghệ mang đến cho chúng ta lại đang dần tạo ra bức rào cản giữa con người với con người. Theo số liệu của China Youth Daily, tại Trung Quốc có đến hơn 60% thanh niên cảm thấy khó khăn trong giao tiếp. Tình trạng này cũng không phải điều xa lạ khi ngay ở Việt Nam, các bạn trẻ có thể năng nổ, hoạt ngôn thoải mái nói chuyện qua các dòng tin nhắn, nhưng khi đối diện trực tiếp với nhau, họ lại im lặng, rụt rè.
Giao tiếp bằng việc nhắn tin, tình trạng này không hề khó bắt gặp trong xã hội số như hiện nay. Các bạn trẻ có thể dễ dàng tâm sự đủ mọi chuyện trên các nền tảng mạng xã hội, thế nhưng khi đặt điện thoại xuống, lời tâm sự của họ cũng dường như cũng kẹt lại ở trong chiếc điện thoại.
Nhanh, tiện lợi, có thể trau chuốt câu từ là những lý do thường thấy khi việc nhắn tin lại được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Thế nhưng khi những câu từ này cứ kẹt lại cùng chiếc điện thoại, thì điều này cũng đem đến những trở ngại khi giao tiếp ngoài đời thực.
Giao tiếp nhanh hơn cũng là giao tiếp được với nhiều người hơn. Thế nhưng hạn chế của việc quá tiện lợi này là làm đánh mất những kỹ năng cần có khi nói chuyện trực tiếp, đặc biệt là trong môi trường công sở.
Bên cạnh năng lực số giao tiếp ở trên mạng cũng sẽ phải có những năng lực tương tác và giao tiếp trực tiếp ở trên môi trường thực. Những con người quan trọng họ sẽ muốn đánh giá năng lực toàn diện của bạn chứ không phải mỗi kỹ năng số.
Giao tiếp ở hình thức nào cũng đều với mục đích là trao đổi và truyền tải thông tin. Để việc trao đổi này truyền tải được đúng và đủ nội dung thì chính mỗi chúng ta là người biểu đạt rõ nhất đó bằn cảm xúc, cử chỉ, lời nói thay vì chỉ bằng những dòng chữ không có sự kết nối trên điện thoại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!