Trùng tu di tích: Lạ là bị la

VTV24-Thứ sáu, ngày 02/08/2024 16:27 GMT+7

VTV.vn - Những ngày qua, trùng tu Chùa Cầu - Hội An là 1 trong những chủ đề được bàn tán rôm rả nhất. Khen có nhưng chê cũng nhiều.

16h30 ngày mai (3/8) - sau 2 năm trùng tu, Chùa Cầu Hội An sẽ chính thức được khánh thành trong chuỗi sự kiện giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 20 năm 2024. Hành trình đến ngày khánh thành của cây cầu 400 năm tuổi này quả thật rất sóng gió.

Một cách tích cực thì có yêu chùa Cầu, công chúng mới quan tâm để ý đến vậy, nhận xét khen chê. Đến thời điểm này, có thể nói: bằng sự kịp thời - công khai - minh bạch thông tin, quá trình trùng tu chùa Cầu đã "thoát pressing" thành công trước những ý kiến của cộng đồng mạng.

Giờ có lẽ là lúc những công trình kiến trúc đi cùng năm tháng khác, như Nhà thờ Đức Bà ở TP. Hồ Chí Minh đang trùng tu chẳng hạn, hoặc bất kỳ những khu di tích nào khác đang hoặc sắp trong quá trình trùng tu cần nhìn vào câu chuyện của chùa Cầu - Hội An để sẵn sàng tâm thế. Bởi không sớm thì muộn khi quá trình tu bổ được hoàn thành, rất có thể họ sẽ lại phải đối diện với những lời nhận xét khen chê như thế. Trong quá khứ không thiếu gì những trường hợp tương tự đã từng xảy ra.

Nhiều di tích vướng phải tranh cãi sau khi trùng tu

Nhiều ý kiến trái chiều trên nhiều diễn đàn vào năm 2019 khi Cổng Ngọ Môn (Đại Nội Huế) được các chuyên gia sử dụng máy phun rửa áp lực cao nhằm loại bỏ các hiện tượng ô nhiễm sinh học bám lâu năm trên các bức tường. Việc thực hiện làm sạch, trùng tu Ngọ Môn mang lại diện mạo khá lạ lẫm cho công trình dù đây mới là màu sắc gần như nguyên bản của di tích.

Xa hơn vào năm 2015, diện mạo của Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh cũng trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi khi màu sơn của công trình được nhiều người cho rằng là quá rực rỡ. Sau đó nhiều cuộc họp giữa các cơ quan, chuyên gia trong ngành đã được tổ chức để lấy ý kiến, bỏ phiếu lựa màu sơn chọn nhằm "thay áo" cho công trình này.

Còn mới đây tại Hà Nội, căn biệt thự pháp tại số 49 Trần Hưng Đạo trong quá trình tu sửa vào năm ngoái cũng nhận về nhiều lời bàn tán tương tự về màu sắc mới của công trình.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia đến từ Pháp và những người sống lâu năm gần căn biệt thự này thì màu sắc này mới chính là diện mạo nguyên bản của căn nhà khi mới được xây dựng.

Ngoài ra, vẻ bề ngoài nhiều di tích khác sau quá trình trùng tu như Nhà Hát Lớn Hà Nội, Nhà Thờ Lớn cũng trở thành chủ đề nóng được bàn tán trong một khoảng thời gian.

Hình ảnh bên ngoài của mỗi góc phố, dãy nhà, công trình lâu năm nào đó đều thường gắn với kí ức của nhiều người, nên yêu là dễ hiểu. Nhưng tình yêu ấy cũng có những nét cực đoan, nó giống như việc ta đặt ra tiêu chí rằng: người mình yêu là tuyệt đối hoàn hảo, họ không được thay đổi một chút xíu nào, họ phải đứng đấy bên ta bất chấp tuổi tác, bệnh tật và thời gian …

Tiêu chuẩn trùng tu

Những gì đã được thực hiện từng bước có quy chuẩn rõ ràng thì có lẽ nếu có lạ một chút, nó cũng không đáng bị la. Với các di tích lịch sử, các di sản văn hoá nói chung, việc bảo tồn theo những quy trình rõ ràng lại càng cần thiết bởi đó là một phần của văn hóa, mà "Văn hoá là bản chất, văn hoá là cội nguồn, văn hoá là dân tộc".

Ngày nay, với sự sáng tạo của tuổi trẻ và sự phát triển của công nghệ, nhiều cách mới để bảo tồn, lưu giữ, lan tỏa những giá trị mang tính văn hóa cũng đang được áp dụng. Có thể lạ một chút, nhưng thật đáng để chúng ta cổ vũ, khích lệ.

Trùng tu di tích:  Lạ là bị la - Ảnh 1.

Sau gần 2 năm trùng tu, sửa chữa, di tích Chùa Cầu (thành phố Hội An, Quảng Nam) đã khoác lên mình tấm áo mới, thu hút sự quan tâm của du khách khi đến phố cổ Hội An.

Trùng tu di tích:  Lạ là bị la - Ảnh 2.

Phát huy giá trị của các di sản

Bắt đầu từ năm 2022, một loạt video kể chuyện về các di sản công nghiệp của Hà Nội đã được Hanoi Ad Hoc đăng tải. Những địa danh thân thuộc, gắn với bao thế hệ người dân thủ đô như Khu Cao - Xà - Lá; Nhà máy in Tiến Bộ, Nhà máy dệt 8/3… Các video này cho thấy những nghiên cứu sâu và nghiêm túc của nhóm về các yếu tố văn hóa - lịch sử làm nên cảnh quan Hà Nội.

Một chuyến hải trình mang tên "Hành trình di sản" lần đầu tiên được triển khai, kéo dài từ Vịnh Hạ Long tới Vườn quốc gia Bái Tử Long, bắt đầu từ tháng 5/2024. Đây được xem là hành trình xa nhất, lâu nhất trên vịnh, đưa du khách đi khám phá những khu vực ít ai được chiêm ngưỡng của Vịnh Hạ Long.

Đặc biệt, du thuyền triển khai chuyến hải trình này cũng được đánh giá là du thuyền hiện đại nhưng thân thiện với môi trường, giảm thiểu tối đa những tác động không tốt tới tự nhiên.

Ông Lương Thế Tuyên - Đại diện thương hiệu Grand Pioneers cho biết: "Chúng ta bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn những di sản này thì cũng chính là bảo vệ chúng ta, giữ gìn những giá trị cho mai sau…"

Và còn rất nhiều những dự án ứng dụng công nghệ thực tế ảo đã hồi sinh các di tích lịch sử, giúp du khách ở bất cứ đâu cũng có thể thăm quan các công trình văn hoá, kiến trúc, lịch sử nổi bật. Tất cả đều với mục tiêu phát huy, quảng bá di sản của Việt Nam đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Hội An tu bổ, sửa chữa 96 di tích nhà ở trong khu Phố Cổ Hội An tu bổ, sửa chữa 96 di tích nhà ở trong khu Phố Cổ

VTV.vn - Để bảo tồn di sản, 6 tháng đầu năm nay, Hội An đã cấp phép tu bổ 96 di tích nhà ở trong Phố Cổ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước