Trùng tu Văn Miếu và Quốc Tử Giám triều Nguyễn

Nguyễn Trọng-Thứ năm, ngày 12/12/2024 15:37 GMT+7

Văn Miếu đã xuống cấp trầm trọng chỉ còn lại những phế tích.

VTV.vn - Trải qua hàng trăm năm tồn tại và ảnh hưởng từ chiến tranh, 2 di tích Văn Miếu và Quốc Tử Giám triều Nguyễn đã xuống cấp trầm trọng sẽ được trùng tu trong thời gian tới.

Trùng tu lớn Quốc Tử Giám triều Nguyễn

Quốc Tử Giám được nhà Nguyễn xây dựng dưới thời vua Gia Long có tên gọi là Đốc học đường, tại An Ninh Thượng, nay là phường Hương Hồ (TP Huế) để đào tạo nhân tài cho đất nước.

Năm 1908, vua Duy Tân nhận thấy vị trí Quốc Tử Giám đặt tại An Ninh Thượng cách xa kinh thành nên dời về bên trong kinh thành Huế như hiện nay, tại số 1 đường 23 tháng 8.

Đây là nơi đóng vai trò vô cùng quan trọng dưới triều Nguyễn khi đã đào tạo ra hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng và nhiều nhân tài phục vụ đất nước dưới thời phong kiến.

Trùng tu Văn Miếu và Quốc Tử Giám triều Nguyễn - Ảnh 1.

Văn Miếu là nơi đặt bia ghi danh trạng của các vị tiến sĩ đỗ đạt tại các kỳ thi hội được tổ chức dưới triều các vua Nguyễn

Quốc Tử Giám triều Nguyễn là một cụm công trình kiến trúc mang đậm phong cách truyền thống với nhiều tòa nhà chức năng như Di Luân Đường (nơi ở và làm việc của vị quan đứng đầu Quốc Tử Giám), dãy phòng học, cư xá…

Công trình này cũng từng được tận dụng làm trụ sở của Bảo tảng Lịch sử Thừa Thiên Huế và đang xuống cấp nghiêm trọng do thời gian, khí hậu.

Năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế lập dự án bảo tồn, tôn tạo thích nghi di tích Quốc Tử Giám với tổng mức đầu tư hơn 60 tỉ đồng. Dự án này nhằm mục đích bảo tồn, trùng tu một phần các công trình trong Quốc Tử Giám để tránh nguy cơ xuống cấp, sụp đổ.

Trùng tu Văn Miếu và Quốc Tử Giám triều Nguyễn - Ảnh 2.

Di Luân Đường (nơi ở và làm việc của vị quan đứng đầu Quốc Tử Giám) là công trình quan trọng nhất của di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn

Tuy nhiên vì nhiều lý do, dự án này chưa thể thực hiện hoàn chỉnh. Đến đầu tháng 11 vừa qua, khi Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế được dời đến nơi khác, tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập tờ trình xin điều chỉnh dự án.

Theo đó dự án này sẽ thay đổi phương án tu bổ công trình Di Luân Đường từ trùng tu cục bộ sang hạ giải toàn bộ để trùng tu kỹ lưỡng hơn, bổ sung hạng mục nhà che bia Huỳnh Tự Thư Thanh…

Theo đó, dự án sẽ được tiến hành trong năm 2025 và dự kiến hoàn thành sau 4 năm.

Di tích Văn Miếu triều Nguyễn cạnh sông Hương cũng được trùng tu

Một di tích cũng đặc biệt không kém liên quan đến ngành giáo dục dưới triều Nguyễn là Văn Miếu nằm ở phường Hương Hồ (TP Huế) cũng sắp được trùng tu.

Văn Miếu được xây dựng vào năm 1808, dưới thời vua Gia Long để thờ Khổng Tử. Sau này dưới triều vua Minh Mạng trở về sau, Văn Miếu là nơi đặt bia ghi danh trạng của các vị tiến sĩ đỗ đạt tại các kỳ thi hội được tổ chức dưới triều các vua Nguyễn.

Trùng tu Văn Miếu và Quốc Tử Giám triều Nguyễn - Ảnh 3.

Di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn hiện nay đang nằm trên đường 23 Tháng 8, bên trong Kinh thành Huế.

Di tích Văn Miếu đã trải qua hơn 200 năm tồn tại và ảnh hưởng chiến tranh nên đã xuống cấp nghiêm trọng và cần được trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục.

Trước đó vào năm 2022, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua dự án thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích Văn Miếu (giai đoạn 1). Dự án dự kiến thực hiện trong vòng 3 năm với nhiều hạng mục như phục hồi chính điện, Văn Miếu Môn, bến thuyền, lát gạch sân miếu…nhưng vì nhiều lý do, việc thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích Văn Miếu không thể diễn ra theo dự kiến.

Dự án trùng tu di tích Văn Miếu triều Nguyễn dự kiến sẽ thực hiện vào năm 2025 và hoàn thành sau 3 năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước