Uống 2 - 3 tách cà phê mỗi ngày có liên quan đến việc kéo dài tuổi thọ và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch so với việc hoàn toàn không uống cà phê.
Kết quả này được chỉ ra trong một nghiên cứu mới được công bố trên "European Journal of Preventive Cardiology", một tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC).
Giáo sư Peter Kistler, tác giả nghiên cứu cho biết: "Trong nghiên cứu này, cà phê xay nhỏ, cà phê hòa tan và cà phê không chứa caffein đều có liên quan đến việc giảm tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và tử vong do bệnh tim mạch hoặc bất kỳ nguyên nhân nào. Kết quả cho thấy rằng, uống cà phê ở mức hợp lý nên được coi là một phần của lối sống lành mạnh".
Uống cà phê ở mức thích hợp đem lại nhiều giá trị sức khỏe (Ảnh: Shutterstock).
Trước đó, có rất ít thông tin về tác động của các sản phẩm cà phê khác nhau đối với sức khỏe tim mạch và tuổi thọ. Do đó, nghiên cứu này đã tiến hành xem xét mối liên hệ giữa các loại cà phê và sự cố rối loạn nhịp tim, bệnh tim mạch, nguy cơ tử vong. Nhóm tác giả đã tiến hành công trình này bằng cách sử dụng dữ liệu từ Ngân hàng Biobank của Anh.
Cụ thể, nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của 449.563 người tham gia. Họ thuộc nhóm không mắc hoặc có mắc các bệnh tim mạch ở thời điểm trước khi nghiên cứu.
Độ tuổi trung bình của những người tham gia là 58 tuổi và 55,3% là phụ nữ.
Mỗi người tham gia được cho trả lời một bảng câu hỏi, bao gồm việc: Họ uống bao nhiêu tách cà phê mỗi ngày, họ thường uống cà phê hòa tan, xay nhỏ hay cà phê không chứa caffein.
Ngoài ra, người tham gia cũng được nhóm thành 6 mức tiêu thụ cà phê hàng ngày, bao gồm:
- Không uống
- Ít hơn một tách/ngày
- Một tách/ngày
- 2 - 3 tách/ngày
- 4 - 5 tách/ngày
- Nhiều hơn 5 tách/ngày
Theo kết quả điều tra, loại cà phê được sử dụng nhiều nhất là cà phê uống liền với 198.062 (44,1%) người tham gia, cà phê xay nhỏ xếp sau với 82.575 (18,4%) người và cuối cùng là cà phê đã khử caffein với 68.416 (15,2%) người.
Những người không uống cà phê, đóng vai trò là nhóm đối chứng chiếm 100.510 (22,4%) người.
Những người uống cà phê được so sánh với những người không uống về tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, rối loạn nhịp tim và tử vong. Kết quả cũng được điều chỉnh theo các yếu tố như: độ tuổi, dân tộc, giới tính, tình trạng béo phì, tiểu đường, huyết áp cao, thói quen hút thuốc, ngưng thở khi ngủ và uống trà, rượu. Thời gian theo dõi trung bình là 12,5 năm.
Có tổng cộng 27.809 (6,2%) người tham gia đã qua đời trong quá trình theo dõi.
Kết quả chỉ ra rằng, tất cả các loại cà phê đều có liên quan đến việc giảm tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào. Mức giảm nguy cơ lớn nhất được thấy với mức tiêu thụ 2 - 3 tách mỗi ngày.
So với việc không uống cà phê, mức giảm nguy cơ tử vong với các sản phẩm cà phê: khử caffein, xay nhỏ và uống liền lần lượt là 14%, 27% và 11%.
Bệnh tim mạch được chẩn đoán ở 43.173 (9,6%) người tham gia trong quá trình theo dõi. Tất cả các loại cà phê có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Một lần nữa, nguy cơ bệnh tim mạch thấp nhất được quan sát thấy với mức tiêu thụ 2 - 3 tách mỗi ngày.
So với việc không uống cà phê, mức giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch với các sản phẩm cà phê: khử caffein, xay nhỏ và uống liền lần lượt là 14%, 27% và 11%.
Rối loạn nhịp tim được chẩn đoán ở 30.100 (6,7%) người tham gia trong quá trình theo dõi. Cà phê xay nhỏ và cà phê hòa tan có liên quan đến việc giảm rối loạn nhịp tim bao gồm cả rung tâm nhĩ.
GS Kistler cho biết: "Caffeine là thành phần được biết đến nhiều nhất trong cà phê, nhưng loại đồ uống này có chứa hơn 100 thành phần hoạt tính sinh học.
Có khả năng là các hợp chất không chứa caffein chịu trách nhiệm cho các mối quan hệ tích cực được quan sát thấy giữa việc uống cà phê và khả năng giảm nguy cơ bệnh tim mạch và tử vong.
Phát hiện của chúng tôi chỉ ra rằng, uống một lượng nhỏ cà phê thuộc tất cả các loại đều có thể được xem như một hành vi tốt cho tim mạch".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!