Một sớm cuối tuần, chúng tôi tạm biệt Hà Nội để di chuyển về phía Nam. Nơi có những dãy núi mờ xa đang chờ đợi. Lúc này, các bản tin buổi sáng vẫn tràn ngập tin tức về một ngày nắng nóng đỉnh điểm với nhiệt độ cao nhất xấp xỉ 40 độ C. Mới hơn 6h sáng mà phố phường đã ngột ngạt, oi bức lắm rồi...
Đi dã ngoại cùng cô trò của một lớp tiểu học sắp chia tay cuối cấp, ban đầu, nhiều phụ huynh trên chuyến xe hẳn chưa tưởng tượng ra: chính mình cũng sẽ có một cuộc hành trình "trốn nóng" đầy ý nghĩa và thú vị.
Mất khoảng 3h đồng hồ để đến được dãy núi Tam Điệp (Ninh Bình). Sau những cung đường bỏng rát nắng hè và đầy khói bụi, Vườn Quốc gia Cúc Phương hiện ra như một chiếc ô xanh khổng lồ ôm trọn lấy một vùng đất đai trù phú. Và chúng tôi, rất nhỏ bé, len lỏi dưới những tán cây, sung sướng tận hưởng sự che chở của mẹ thiên nhiên vĩ đại...
Thực ra, nhiệt độ ở Cúc Phương không thấp hơn nhiều so với Hà Nội. Những ngày chúng tôi đến, nhiệt độ ngoài trời chắc cũng phải chạm ngưỡng 36 - 37 độ C. Nhưng khác ở chỗ: rừng già cho con người nhiều cứu cánh. Thay thế cho những tòa nhà cao tầng với chi chít cục nóng điều hòa ở thành phố, Cúc Phương chỉ có vô số những loài cây của một khu rừng nhiệt đới quanh năm xanh mát.
Nếu không phải một nhà nghiên cứu về đa dạng sinh học, hẳn việc điểm danh các loài thực vật trong rừng là bất khả thi. Vây quanh chúng tôi và lũ trẻ, là vô vàn loài thực vật vừa quen vừa lạ; nhưng lạ lẫm nhiều hơn. Thậm chí ngay cả với loài cây mình đã thuộc tên, cũng còn vô số điều chưa biết hết.
Đi cùng đoàn chúng tôi có các sinh viên chuyên ngành Sinh học của Đại học Khoa học Tự nhiên (Hà Nội). Tham gia dẫn dắt các tour du lịch sinh thái là một trong những công việc làm thêm thật nhân văn. Các bạn là những nhà khoa học rất gần gũi của đám trẻ và là những người bạn nhiệt tình khi bố mẹ muốn học "ké". Nếu có bạn nào đã từng ghét môn sinh học đi chăng nữa, thì hãy thử trở lại thời học sinh - sinh viên với những "bài giảng" trong rừng, tận mắt tận tay chạm vào từng chiếc lá, nhành cây; hay ngắm nhìn những thảm rêu xanh trên một khúc gỗ mục qua lăng kính hiển vi... Hẳn sẽ thêm một lần ngỡ ngàng về những thứ tưởng chừng đơn điệu như cây cỏ ven đường...
Cúc Phương rất nhiều bướm, toàn các loài bướm đẹp. Chợt nhớ từ rất lâu rồi, hiếm thấy bướm bay ngay cả trong công viên, chứ đừng nói gì đến quanh khu nhà tập thể đông đúc của mình ở Hà Nội. Nhưng không chỉ có bướm, đến Vườn Quốc gia, còn có thể gặp lại rất nhiều loài vật trong ký ức của thế hệ phụ huynh như chúng tôi: bọ ngựa, dế mèn, đom đóm...
Nhắc đến đom đóm, lại nhớ lúc cất bước vào rừng khi màn đêm buông xuống. Chúng tôi đã có một trải nghiệm thật tuyệt vời trong đêm Cúc Phương, cùng nhau chạm khẽ vào bí mật của rừng già giữa bóng đêm huyền bí. Giờ đấy, khi con người đi ngủ, các loài vật lại thức giấc nhiều hơn. Chúng chuyển động tinh tế, nhẹ nhàng trong hơi sương bảng lảng giữa những tán cây, dưới ánh trăng sao mờ ảo... Cùng với đom đóm, lũ trẻ thành phố lần đầu nhìn thấy bọ que, nhện chân dài, dế lạc đà... Một phụ huynh ghé tai tôi, kể chuyện câu con trai rất sợ vào rừng. Nhưng lần này thì khác, không chỉ đi rừng ban ngày, cậu bé còn quyết định ra khỏi phòng đi khám phá rừng già trong đêm tối. Cậu bé đã chiến thắng nỗi sợ hãi của bản thân, có lẽ bởi sự hấp dẫn và lôi cuốn quá đỗi của muôn loài...
Hai ngày ở Cúc Phương, bạn còn có thể đi thăm các trại sơ cứu những loài nguy cấp, cần bảo tồn như: linh trưởng, rùa, rái cá... Mỗi con vật trong trại đều có số phận và thậm chí cả cá tính riêng, được nhân viên cứu hộ ghi chép và kể lại tỉ mỉ. Lại thêm bài học về việc bảo vệ muôn loài cho bọn trẻ, từ những câu chuyện có thể lay động lòng trắc ẩn của trẻ con. Có thể từ những buổi dã ngoại như thế này, thế giới tương lai sẽ không còn vấn nạn săn bắt, tiêu thụ thú rừng nữa chăng? Có thể lắm chứ!
Thế nên không chỉ tận hưởng sự xanh mát, việc làm quen và tìm hiểu về từng loại cây, loài vật trong rừng, từ nhành dương xỉ đến cây chò nghìn năm tuổi, từ con kiến rừng nhỏ bé đến loài linh trưởng cao lớn, khiến "cuộc chạy trốn" cái nóng mùa hè của chúng tôi không đơn điệu và nhạt nhẽo. Và đặc biệt, với nhân vật chính của chuyến đi là lũ trẻ, thì thế giới nơi đây thực sự diệu kỳ. Những kiến thức sống động, những rung cảm trước muôn loài, đều nảy nở và ngấm vào tâm trí và trái tim chúng một cách tự nhiên nhất, để rồi ở lại lâu dài, bền vững nhất. Tình yêu với mẹ thiên nhiên đã nảy mầm từ đây, rồi sẽ theo chúng suốt cuộc đời.
Là điểm tham quan nổi tiếng lâu năm nên việc di chuyển vào sâu trong rừng ở Cúc Phương khá dễ dàng. Ngay cả ở một trong những điểm lõi khá sâu của Vườn Quốc gia, việc men theo đường mòn lên cao cũng không hề mất sức. Viết những điều này có thể hơi thừa thãi với nhiều độc giả, bởi Cúc Phương không phải điểm đến quá xa lạ. Nhưng viết về một điểm "trốn nóng", thì có lẽ cần nhắc qua một chút là từ Hà Nội về đây, tận hưởng sự mát mẻ nơi đây, khám phá hệ sinh thái nơi đây, không mất sức, mất thời gian là bao. Với quỹ thời gian eo hẹp từ 1 - 2 ngày cuối tuần, bạn vẫn có thể "trốn nóng" để thay đổi không khí, để xua tan cái oi bức ngột ngạt bủa vây, để tái tạo hứng khởi cho tuần làm việc tiếp theo, để mang đến cơ hội trải nghiệm tuyệt vời cho lũ trẻ con trong thành phố. Viết đoạn này có giống một bài quảng cáo cho các tour du lịch sinh thái không? Nhưng nếu đó là một chuyến dã ngoại đầy cảm xúc, đầy nhân văn, thì có quảng cáo cũng không ngại ngần, bạn nhỉ?!
Dự báo thời tiết trên ti vi lại đang nói kìa: Hà Nội còn nắng nóng nhiều ngày nữa đấy...
Cách Thủ đô Hà Nội 120 km về phía nam, nằm lọt sâu trong lòng dãy núi Tam Điệp, Cúc Phương là Vườn Quốc gia đầu tiên của Việt Nam.
Với đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới, xanh quanh năm, Cúc Phương có quần hệ động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng. Theo số liệu điều tra gần đây, Cúc Phương có 2.234 loài thực vật bậc cao và rêu, trong đó có 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, nhiều loài được ghi trong sách đỏ của Việt Nam.
Về động vật, Cúc Phương có 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá, gần 2.000 loài côn trùng, 135 loài thú (trong đó có loài voọc đen mông trắng là loài thú linh trưởng rất đẹp và quý hiếm, được chọn làm biểu tượng của Vườn Quốc gia Cúc Phương); cùng 336 loài chim cư trú, đặc biệt có nhiều loài đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương.
Thuộc địa hình Caxtơ nửa che phủ, Cúc Phương còn có nhiều hang động đẹp với những cái tên gợi cảm như: động Sơn cung, động Phò mã giáng…Đặc biệt, có một số hang động còn lưu giữ những dấu tích của người tiền sử, sống cách ngày nay từ 7.500 năm đến 12.000 năm. Đó là hang Đắng (động người xưa), hang con Moong. Năm 2000, tại Cúc Phương đã phát hiện một hóa thạch của loài động vật có xương sống. Theo kết luận ban đầu của Viện Cổ sinh học Việt Nam, đây là hóa thạch của loài bò sát răng phiến, sống cách ngày nay chừng 200 đến 230 triệu năm...
Nguồn: Sở Du lịch Ninh Bình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!