Vĩnh Long đã từng một thời là lị sở của Long Hồ, cũng là nơi nhà Nguyễn xây thành lũy kiên cố để phòng thủ. Một trong những hào thành tiếng tăm được lưu lại trong lịch sử hình thành miền đất này là cổng thành cửa hữu xưa, còn được lưu lại ở phường 1, thành phố Vĩnh Long.
Khi về thăm Vĩnh Long, du khách nên đến Văn Thánh Miếu tọa lạc tại phường 4, thành phố Vĩnh Long. Phía sau cổng ở hai bên là hai hàng cây sao cao vút có hàng trăm tuổi. Trên con đường này có ba tấm bia đá. Điện Đại Thành là nơi thờ Đức Khổng Tử, người chủ trương đề cao Nho giáo. Bên góc phải Văn Thánh Miếu là Văn Xương các, nơi thờ các thần văn học và nhân sỹ như: Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, những người có công đối với nền văn học của nước nhà.
Văn Thánh Miếu tỉnh Vĩnh Long đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia vì nơi đây gìn giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Từ lâu, Văn Thánh Miếu đã trở thành một trong những địa điểm mà du khách thập phương đến thăm viếng và tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với các bậc tiền nhân.
Du khách còn đặc biệt quan tâm đến lối sống của người xưa qua kiến trúc nhà ở tại thành phố Vĩnh Long khi biết rằng, nơi đây còn lưu giữ được 87 căn nhà xưa có niên đại từ thời nhà Nguyễn (cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20). Khá nhiều du khách đã chọn du lịch homestay tại những ngôi nhà cổ này để nghiên cứu, tìm hiểu về nét văn hóa cư trú xưa của người dân đồng bằng.
Với các du khách, không gian nội thất nhà ở dân gian của người Việt ở tỉnh Vĩnh Long cũng như ĐBSCL là những công trình nghệ thuật tinh xảo, nét đẹp hoài cổ cô đọng yếu tố văn hóa dân gian rất cao, đóng vai trò tích cực đối với cuộc sống người dân trong các thời kỳ lịch sử trước đây và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội ngày nay, mai sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!