Nói đến bào ngư, người ta sẽ nghĩ ngay đến một món ăn quý chỉ dành cho các bậc vua chúa, quý tộc xưa. Ngày nay, bào ngư trở nên phổ biến hơn nhưng vẫn được xếp vào danh sách những món ăn xa xỉ do giá thành khá đắt.
Những người từng ăn bào ngư mô tả hương vị món ăn này bằng những từ như "không có gì đặc biệt" hay "mùi vị phụ thuộc vào gia vị đi kèm", người ta buộc phải thắc mắc rằng vì sao món ăn không quá ngon lại trở nên đắt đỏ như thế. Dưới đây là những lý do lý giải cho điều đó.
Đánh bắt bằng tay
Bào ngư sống ở khe mỏm đá sắc nhọn, nơi có sóng mạnh nên trong khi tôm cua cá ốc có thể sử dụng lưới và các vật dụng chuyên biệt để đánh bắt thì bào ngư lại phải bắt bằng tay. Điều này khiến năng suất không cao. Số lượng ít khiến giá thành cao.
Rủi ro nghề đánh bắt
Bào ngư sống ở đáy biển, nên người bắt bào ngư phải lặn sâu xuống bên dưới để bắt chúng.
Không phải ai cũng có thể lặn bắt bào ngư. Thợ lặn phải đối diện với nhiều rủi ro, từ áp suất nước, sự tấn công của cá mập và nhiều động vật biển khác. Nhiều trường hợp thiệt mạng trong lúc đánh bắt bào ngư.
Số lượng có hạn
Bào ngư chỉ sống ở vùng biển lạnh, nơi sóng mạnh, có đá ngầm như Úc, New Zealand, Nhật Bản và phía tây của Bắc Mỹ. Biến đổi khí hậu khiến trái đất nóng lên, nhiệt độ nước biển tăng khiến nguồn bào ngư tự nhiên ngày càng suy giảm. Vì hiếm nên chúng càng trở nên quý.
Đặc biệt trong dịp đầu năm mới, nhu cầu mua bào ngư tăng khiến mặt hàng này càng lên giá.
Bào ngư nằm trong danh sách cần bảo vệ
Do đánh bắt quá mức nên hai loài bào ngư trắng và bào ngư đen đã nằm trong danh sách "cực kỳ nguy cấp" trong Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng (ESA). Ba loài bào ngư khác (hồng, pinto, xanh lục) thuộc danh sách "cần được quan tâm".
Một số quốc gia như Úc đã ban hành quy định giới hạn thời gian và số lượng bào ngư được đánh bắt.
Cung ít, trong khi cầu nhiều lại càng khiến bào ngư trở nên đắt đỏ. Hiện nay, nhiều nước chuyển sang nuôi bào ngư. Tuy hương vị không giống hoàn toàn như bào ngư tự nhiên nhưng đây là phương pháp tốt để nâng cao năng suất và để bảo vệ loài này khỏi tuyệt chủng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!