Vụ việc đã được ghi lại từ thiết bị điện thoại thông minh, camera hành trình và camera an ninh của các doanh nghiệp… Sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội, nó đã thu hút được sự quan tâm, chú ý từ nhiều người dùng internet. Video cho thấy, một quả cầu lửa nhanh chóng xâm nhập không phận nước Úc, kéo theo sau là một luồng ánh sáng màu xanh lục.
Một cảnh quay khác từ camera an ninh bên ngoài sân bay Cairns cho thấy bầu trời sáng lên màu xanh lá cây, sau đó chuyển sang màu vàng khi thiên thạch đến gần vào khoảng sau 21h22 tối thứ Bảy tuần qua.
Cùng thời điểm đó, những cư dân ở thị trấn Croydon, cách Cairns khoảng 500km về phía tây chia sẻ trên mạng xã hội, họ cũng cảm thấy sóng xung kích nhẹ và âm thanh lớn từ vụ nổ thiên thạch này.
Nhà vật lý thiên văn Brad Tucker, Đại học Quốc gia Úc chia sẻ với Guardian Australia, thiên thạch này có thể có kích thước nhỏ từ 0,5 đến 1 mét và nhiều khả năng nó di chuyển tới 150.000km/h. Hầu hết các thiên thạch cấu tạo từ chondrite đá, nhưng màu xanh lục trước khi va chạm trong trường hợp này rất có thể là do các vụn sắt và niken bị đốt cháy khi nó đi qua bầu khí quyển của Trái Đất.
Brad Tucker nói rằng tác động của những thiên thạch loại này với Trái Đất sẽ không để lại miệng núi lửa, vì chúng sẽ bị phân mảnh vào thời điểm nó chạm tới bề mặt.
"Về cơ bản ma sát tích tụ, gây ra ánh sáng trên và sau đó thiên thạch chạm đến điểm phá vỡ tạo ra ánh sáng mạnh và tiếng nổ lớn", Tucker giải thích.
Nhà thiên văn cũng bày tỏ sự lo lắng, theo ông vụ nổ âm thanh giữa không trung trên một khu vực đông dân cư có thể gây ra thiệt hại cho con người và cơ sở hạ tầng dưới mặt đất. Rất may thiên thạch lần này chỉ là tảng đá nhỏ và các nhà khoa học thường lo lắng về những thiên thạch có kích thước từ 10 đến 20 mét.
Vào năm 2013, một thiên thạch dài 20 mét đã phát nổ trên thành phố Chelyabinsk của Nga, năng lượng của nó tương ứng với khoảng 500 kiloton thuốc nổ TNT. Vụ nổ gây ra sóng xung kích, làm vỡ cửa sổ kính 3.600 tòa nhà, chung cư và khiến mái của một số nhà máy trong thành phố bị hư hỏng nặng nề. Thời điểm dữ dội nhất, thiên thạch Chelyabinsk phát sáng hơn Mặt Trời 30 lần, khiến mọi người cách xa nó tới 30 km vẫn có thể bị bỏng da và võng mạc.
Tucker cho biết, các thiên thạch đâm xuyên qua bầu khí quyển của Trái Đất như thế này hàng tháng, nhưng vì hầu hết diện tích bề mặt của Trái Đất không có người ở nên chúng không được người dân chú ý.
Video thiên thạch xuất hiện và phát nổ trên bầu trời nước Úc
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!