Vienna và bài học chống lũ lụt

Song Anh (Theo DW, Guardian). Ảnh: AP-Thứ bảy, ngày 09/11/2024 01:10 GMT+7

VTV.vn - Các bước mà Vienna – Thủ đô của nước Áo - thực hiện để chuẩn bị đối phó với lượng mưa lớn có thể mang lại bài học cho các thành phố khác về cách thức đối mặt với lũ lụt.

Bão Boris đã gây ra trận lũ lụt nặng nề nhất ở châu Âu trong 500 năm qua, nhưng một thành phố đã thoát khỏi nạn lụt tương đối bình yên. Các bước mà Vienna –Thủ đô của nước Áo - thực hiện để chuẩn bị đối phó với lượng mưa cực lớn có thể mang lại bài học cho các thành phố khác về cách thức đối mặt với lũ lụt.

Vienna và bài học chống lũ lụt - Ảnh 1.

Lực lượng cứu hỏa đang kiểm tra đập trên sông Danube

Hệ thống phòng chống lũ lụt hoạt động hiệu quả 

Lượng mưa kỷ lục do Bão Boris mang lại trút xuống Vienna vào ngày 15/9 vừa qua khiến đường sá ngập lụt, người dân phải sơ tán, những dòng suối hiền hòa biến thành dòng chảy dữ dội. Chỉ trong 5 ngày, lượng mưa đổ xuống thành phố và các khu vực khác của Áo nhiều gấp 5 lần so với lượng mưa trung bình trong cả tháng Chín. Trên thực tế, Vienna có một hệ thống phòng chống lũ lụt lớn đã giúp thành phố thoát khỏi những trận lũ lụt thảm khốc tàn phá nhiều vùng Trung và Đông Âu trong những ngày tháng 9 vừa qua. Bằng chứng từ các trận lũ lớn trước đây cho thấy, một số chiến lược bảo vệ được Vienna nói riêng và nước Áo nói chung sử dụng đang tỏ ra hiệu quả và mang lại bài học quan trọng cho các nước đang chống chọi với thời tiết ngày càng khắc nghiệt.

Những năm 1960, khi lũ lụt xảy ra thường xuyên và ngày càng dữ dội, thành phố nhận thấy cần có giải pháp lâu dài. Giải pháp này liên quan đến việc chuyển hướng sông Danube. Năm 1969, hội đồng thành phố Vienna đã bỏ phiếu quyết định xây dựng một hòn đảo dài 21km ở giữa sông Danube. Hòn đảo đã tạo ra một con đập và một kênh cứu trợ hiệu quả ở phía Bắc trung tâm Vienna, có khả năng chứa đủ nước để giúp bảo vệ thành phố trước một trận lụt giống như năm 1501. Hiện Vienna có hai dòng nước chính: Kênh Danube - kênh nhân tạo và sông Danube cũ. Ngoài ra, còn có New Danube, một kênh dẫn lũ dài 21km được hoàn thành vào những năm 1980. Kênh lũ này chạy song song với sông Danube và sử dụng khối lượng đất cát từ việc đào kênh  để tạo ra một hòn đảo nhân tạo. Nước chỉ được xả vào sông Danube mới trong trường hợp lũ lụt.

Vienna và bài học chống lũ lụt - Ảnh 2.

Hệ thống này đã được thử nghiệm kịch tính vào năm 2013, khi lưu vực thượng nguồn sông Danube trải qua một trong những trận lũ lụt lớn nhất trong hai thế kỷ qua. Theo báo cáo của thành phố, lưu lượng xả lũ của sông Danube ở Vienna đạt khoảng 14.000 mét khối mỗi giây – mức độ lũ lụt theo thống kê dự kiến ​​ sau 5.000 năm sẽ xảy ra một lần. Khả năng này dựa trên dữ liệu từ một trong những trận lũ lụt lớn nhất từng xảy ra với thành phố vào năm 1501, có nghĩa là hệ thống kiểm soát lũ lụt của Vienna phần lớn được thiết kế cho trường hợp xấu nhất. Trong trận lũ lụt giữa tháng 9 vừa qua, khoảng 10.000 mét khối mỗi giây đã chảy qua các tuyến đường thủy của Vienna, thấp hơn đáng kể so với công suất của hệ thống. Nếu không có hệ thống này, lũ lụt sẽ xảy ra trên diện rộng.

60 triệu euro cho các biện pháp phòng chống lụt

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào các dự án kỹ thuật lớn không phải là một giải pháp hoàn chỉnh. Chính quyền thành phố Vienna nhấn mạnh rằng, sự chuẩn bị sẵn sàng là một trong những khía cạnh quan trọng của việc kiểm soát lũ lụt, đặc biệt khi lũ lụt lớn dự kiến ​​sẽ xảy ra thường xuyên hơn.

Ông Günter Blöschl, nhà thủy văn học và là Giám đốc Trung tâm Hệ thống tài nguyên nước của Đại học Công nghệ Vienna, cũng là người đã giúp định hình chiến lược quản lý rủi ro lũ lụt của Áo, cho biết: “Áo đã thực sự đầu tư vào phòng chống lũ lụt trong những thập kỷ qua, đặc biệt là vì chúng tôi đã trải qua hai trận lũ lớn vào năm 2002 và 2013”. Theo ước tính, Áo đầu tư khoảng 60 triệu euro mỗi năm cho các biện pháp phòng chống lũ lụt. Chiến lược bảo vệ bao gồm các cuộc diễn tập thường xuyên về các biện pháp khẩn cấp như tường di động được dựng lên để ngăn lượng nước lớn; và đầu tư một hệ thống dự báo phức tạp và chính xác hơn.

Vienna và bài học chống lũ lụt - Ảnh 3.

Nhìn vào tác động của trận lũ lụt tháng 9 vừa qua, ông Blöschl cho rằng: “các biện pháp này đáng giá. Thiệt hại mà chúng tôi tránh được cao hơn nhiều so với khoản đầu tư vào phòng chống lũ lụt". Ông Blöschl cũng cho biết, việc dự báo chính xác và các cuộc diễn tập phòng chống lũ lụt đã giúp cứu sống nhiều người trong những trận lũ lụt gần đây nhất, không chỉ ở Vienna mà còn ở các khu vực khác trên khắp nước Áo: “Chúng tôi đã tổ chức các cuộc diễn tập lũ lụt ở mọi cấp độ cho lực lượng cứu hỏa và quân đội. Trừ khi bạn chuẩn bị bằng các bài tập thực tế, nếu không nó sẽ không có tác dụng trong các trường hợp khẩn cấp. Thông điệp của tôi là các cuộc diễn tập phòng chống lũ lụt là một yếu tố thực sự quan trọng”. Ví dụ, những người ứng cứu khẩn cấp đã thực hành cách dựng những bức tường di động để ngăn lũ. Ông chia sẻ: "Rất nhiều điều có thể xảy ra sai sót - có thể thiếu một số bộ phận, và nếu chỉ có một khe hở nhỏ thôi, nước sẽ lọt qua. Vì vậy, bạn phải luyện tập." Ông cho biết thêm, các dự báo chính xác cũng giúp chính quyền phán đoán chính xác nơi nào các con đập có nguy cơ bị vỡ và nơi nào người dân phải sơ tán.

Vienna thường xuyên được xếp hạng trong danh sách các thành phố đáng sống nhất thế giới vì nhiều lý do, nhưng nếu có bảng xếp hạng các thành phố bảo vệ chống lại các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt thì Vienna sẽ một lần nữa đứng đầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước