Anh Nguyễn Mạnh Tùng, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Tôi cho các cháu đến đây để các cháu biết được truyền thống của cha ông, sau là cũng mong các cháu chứng kiến hình ảnh các ông đồ viết chữ, từ đó cố gắng hơn, đạt thành tích tốt hơn trong học tập”.
Tuy vậy, ngoài khu phố Ông đồ thì gần như tất cả các con phố Hà Nội trong buổi sáng nay đều có được sự thanh nhàn, tĩnh lặng hiếm có. Trong cả một năm trời, có lẽ chỉ duy nhất ngày mùng 1 Tết là Hà Nội có được cái không khí nhẹ nhàng như thế.
TS.Nguyễn Hoàng Điệp, Nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông nói: “Con rắn là một con vật rất tinh khôn và khéo léo, vì vậy theo dịch học thì chúng tôi cho rằng năm nay sẽ là năm rất tốt cho giao thương, thương mại. Đặc biệt rắn thuộc thủy âm mà thủy là nguồn gốc của mọi sự sống nên việc trồng trọt, nông nghiệp năm nay lại càng tuyệt vời”.
Tại các làng quê ngoại thành Hà Nội, như truyền thống từ ngàn xưa, ngay từ sáng sớm, các gia đình trong làng đã ra lễ chùa, cầu mong một năm mới làm ăn thuận lợi, con cháu mạnh khỏe, thuận hòa, no ấm. Bữa cơm trưa mùng 1 Tết luôn là bữa cơm quan trọng nhất tại các gia đình ngoại thành, bởi có thể nói, đây là dịp hiếm hoi cả gia đình mới có dịp đoàn tụ sau một năm lao động vất vả.
Ông Phạm Văn Khá, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội nói: “Cả năm chỉ có duy nhất ngày này là cả gia đình, con cháu đoàn tụ, chứ cả năm mỗi người bận một việc, không có dịp nào gặp mặt. Đây thực sự là ngày đặc biệt quan trọng và cũng là vui nhất của gia đình”.
Tạm biệt bữa cơm gia đình đầm ấm. Trong ngôi đình cổ của làng, bên chén trà nóng, các bậc bô lão sôi nổi kể sự tích về các vị Thành hoàng làng, những người đã có công khai hoang, lập ấp và dạy nghề cho con cháu từ hàng trăm năm trước. Người già thôn quê vẫn thế, thường thích kể chuyện xưa trong dịp năm mới để nhắc con cháu không quên công ơn của các bậc tiền bối.