Cảm nhận sông Hằng

Bài và ảnh: Thao Giang-Thứ bảy, ngày 13/04/2013 13:23 GMT+7

 Trong hành trình đi dọc dài miền Bắc Ấn Độ, chúng tôi đã có cơ hội được ngắm bình minh trên sông Hằng ở Varanasi - thành phố cổ được xây dựng từ 3.000 năm trước công nguyên.

Bắt nguồn từ dãy núi Himalaya, sông Hằng dài tới 2.500 cây số với nhiều nhánh sông chảy quanh co qua các làng mạc trên lãnh thổ Ấn độ, Bangladesh và đổ ra vịnh Bengal. Với mọi người dân, mọi tôn giáo trên đất nước Ấn độ, sông Hằng được xem như là dòng sữa mẹ linh thiêng.

‘ Bình minh sông Hằng

Theo tín ngưỡng Hindu, uống nước sông Hằng sẽ gặp điềm lành, còn tắm trên sông Hằng sẽ gột sạch mọi tội lỗi. Varanasi là vùng đất thiêng liêng nhất của Ấn Độ giáo, chính vì thế ngày nào cũng có đông đảo người Ấn từ khắp mọi nơi hành hương bằng mọi phương tiện, đổ về các Ghat (bến sông Hằng) ở nơi đây.

Ngày nào trên sông Hằng ở Varanasi và các nhánh sông chảy qua bao làng quê đều có rất nhiều người chết được đốt xác trên sông, xương cốt thành tro tan vào lòng sông…

‘ Bến sông Hằng với các đền thờ cổ

Khi thành phố còn chìm trong màn đêm và sương mù dày đặc, chúng tôi nai nịt kín mít rời khỏi khách sạn và không khỏi bất ngờ trước cảnh màn trời chiếu đất ở khắp các vỉa hè của người dân vô gia cư. Bến sông Hằng mở ra trước mắt, tấp nập một cách lạ thường. Hai bên đường, người dân bày bán đồ cúng lễ, nhiều nhất là những xâu hoa cúc xinh xắn. Can nhựa nhỏ cũng rất lắm, bán cho khách hành hương có nhu cầu đem nước sông Hằng về nhà thờ cúng. Các đạo sĩ ngồi lặng phắc, râu tóc, tướng mạo lạ kỳ. Chúng tôi co ro bước xuống từng bậc tam cấp, gió lạnh thổi hun hút, chắc nhiệt độ chỉ tầm 10 độ C. Bên cạnh là các chàng trai, cô gái Ấn áo quần mỏng manh chạy theo mời mua hoa, nến.

‘ Cắt tóc trước khi xuống tắm

Chúng tôi bước xuống một trong vô số chiếc thuyền nan neo sát bờ. Một cụ già phong phanh tấm áo mỏng, làm ấm người bằng cách hát vang một điệu hò, lấy đà đẩy mạnh con thuyền ra khỏi bến. Chúng tôi tò mò hỏi không biết sáng nay có gặp cảnh đốt xác hay không? Ông bình thản bảo tý nữa là tới chỗ hỏa thiêu, chắc chắn có! Tuy nhiên, tôi đã quyết tâm không mục sở thị những cảnh mà người ta đã nói nhiều về sự ô nhiễm, sự ám ảnh ở sông Hằng.

‘ Các nhà sư Tây Tạng ngồi thiền bên sông

Trời bắt đầu sáng dần, chúng tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp cổ kính của các ngôi đền thờ, cung điện của người Hindu. Dân tình đổ ra sông làm vệ sinh cá nhân, giặt giũ bên cạnh những người đàn ông trần như nhộng, thành kính múc nước lên khấn vái rồi nhảy ùm xuống sông, ngụp đủ 5 lần để toàn thân được tắm trong dòng nước thiêng. Trong khi đó, nhiều người đang xếp hàng cạo râu, tóc, trút bỏ quần áo, chạy tại chỗ cho nóng người để thực hiện nghi lễ tắm rửa quan trọng. Co ro trong áo ấm, tôi thoáng rùng mình.

‘ Tắm sông Hằng với niềm tin sẽ gột sạch mọi tội lỗi

Không để ý đến những sôi động xung quanh, nhiều nhà tu Tây Tạng khoác cà sa nâu đỏ ngồi thiền lặng phắc trên những bậc tam cấp… Người lái đò kéo mọi người ra khỏi sự náo nhiệt trên bờ với tiếng reo to: sunrise! (mặt trời mọc). Tất cả chúng tôi hướng máy ảnh ra phía tay ông chỉ. Quả cầu lửa lộng lẫy đang trườn dần lên từ mặt sông.

‘ Đàn chim nô đùa cùng du khách

Những khuôn hình trong máy ảnh ghi lại được từng khoảnh khắc chuyển động của vừng dương. Chẳng cần phải săn đón, chờ đợi, những chú hải âu chao liệng, từng đoàn thuyền nhịp nhàng, uyển chuyển lướt trên sóng nước thanh bình, làm tiền cảnh cho bức tranh kỳ diệu - bình minh trên sông Hằng. Tôi biết rằng, mình đã may mắn có được cơ duyên ngắm nhìn một trong những cảnh điểm huyền bí nhất mà đất trời đã ban tặng cho con người.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước