Được vua Khải Định cho xây dựng vào năm 1921 – 1923, điện Kiến Trung nằm ở điểm cực Bắc của trục thần đạo xuyên qua trung tâm Tử Cấm thành. Điện Kiến Trung là minh chứng cho sự xa hoa, tráng lệ của triều Nguyễn và là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng của Việt Nam.
Toàn cảnh điện Kiến Trung sau trùng tu, tôn tạo
Điện Kiến Trung nằm trên mảnh đất sau cuối của Tử Cấm thành, ngay phía sau cung Khôn Thái. Dưới thời vua Minh Mạng, nơi đây có một công trình mang tên là lầu Minh Viễn (tồn tại từ 1827-1876). Đến thời vua Duy Tân, công trình được kiến tạo và mang tên lầu Du Cửu (1913-1916). Kiến Trung là tên được vua Khải Định đặt từ năm 1916. Năm 1921, điện Kiến Trung được vua Khải Định cho xây lại mới, công trình mang phong cách hợp thể châu Âu gồm: kiến trúc Pháp, kiến trúc Phục hưng của Ý và có thêm kiến trúc cổ truyền Việt Nam.
Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tại điện Kiến Trung, vua Bảo Đại có cuộc tiếp xúc đầu tiên với Phái đoàn Chính phủ lâm thời để chính thức họp bàn thoái vị, trao lại quyền điều hành đất nước cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đến năm 1947, do chiến tranh, ngôi điện đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại hệ thống nền móng.
Từ năm 2013, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã khởi động dự án phục hồi điện Kiến Trung với sự hợp tác của nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và mỹ thuật Huế và sự tham gia của Phân viện khoa học công nghệ xây dựng miền Trung. Tuy nhiên, do đã có một số phản biện về việc phục dựng sai lệch với bản gốc nên đến đầu năm 2019, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các cơ quan chuyên môn mới khởi công dự án tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích điện Kiến Trung.
Công tác trùng tu được triển khai với toàn bộ các hạng mục công trình trong khuôn viên di tích như: tường bao nền, hệ thống lan can, tu bổ lầu Kiến Trung, sân Tiền Viên và Hậu Viên cùng các công trình nhỏ xung quanh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh…
Sau gần năm năm tu bổ, điện Kiến Trung gần như giữ được nguyên vẹn kiến trúc cũ, được tô điểm bởi các họa tiết, hoa văn mang dấu ấn cung đình. Từ đó tạo nên một xu hướng thẩm mỹ tuyệt đẹp. Phía trước điện có vườn cảnh, dựng lên thềm là ba cầu thang hình rồng đặc trưng. Tầng chính điện gồm 15 cửa hiên, tầng trên là gác và trên cùng là mái ngói và có ban công được trang trí theo kiến trúc Việt.
Tầng 1 ở điện dùng để trưng bày các những hiện vật gốc gắn liền với lịch sử hình thành của ngôi điện. Ví dụ như bạn sẽ bắt gặp một số vật dụng nội thất bàn ghế có thiết kế lộng lẫy, kiệu vua và hoàng hậu hay những đồ dùng trong bữa ăn, giày và áo của vua Khải Định, vua Bảo Đại. Hiện tại, tầng 2 của điện chỉ là những gian phòng trống nhưng từ đây, bạn có thể nhìn ngắm không gian sân vườn thoáng đãng cùng với các công trình khác tại Đại Nội ở phía xa.
Sau khi hoàn thành công trình phục dựng, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn dày công nghiên cứu, tham khảo nhiều nguồn tài liệu lịch sử để sắp xếp và trưng bày các hiện vật quý giá. Bước chân vào điện Kiến Trung, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước kho báu cổ vật vô cùng phong phú và độc đáo. Nơi đây trưng bày những hiện vật mang đậm dấu ấn thời đại, góp phần tái hiện cuộc sống sinh hoạt của các vị vua triều Nguyễn, đồng thời hé mở những câu chuyện lịch sử đầy bí ẩn và hấp dẫn.
Điếm nhấn thu hút du khách chính là những món đồ cá nhân của hai vị vua Khải Định và Bảo Đại. Du khách có thể chiêm ngưỡng đôi giày da màu đen bóng loáng, thường phục thêu hoa văn tinh xảo của vua Khải Định hay đôi giày thêu rồng vàng uy nghi của Hoàng thái tử Vĩnh Thụy (sau này là vua Bảo Đại).
Bên cạnh đó, những vật dụng quen thuộc trong đời sống vua chúa như: trấn phong, bàn ghế, chum, tủ khảm ốc xà cừ tinh xảo cũng được trưng bày trang trọng.
Ngoài các hiện vật được trưng bày, trong thời gian tới, điện Kiến Trung sẽ là nơi tổ chức các không gian triển lãm mỹ thuật, không gian trưng bày và trải nghiệm với ứng dụng sản phẩm công nghệ hiện đại, tạo điểm nhấn về sản phẩm văn hóa phục vụ khách du lịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!