Ngày Xuân xem hội Bài chòi

Khánh Quỳnh-Thứ sáu, ngày 15/02/2013 08:10 GMT+7

Sân khấu bài chòi - loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian rất phổ biến ở đất Quảng Nam. Ảnh: VOV

Sau một thời gian bị lãng quên, bài chòi đang được người dân thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam làm sống lại và đưa loại hình văn hóa độc đáo này đi xa hơn tới nhiều nước trên thế giới.

Hội bài chòi thường được tổ chức ở những nơi công cộng, rộng rãi, thoáng mát. Theo luật chơi, 32 tấm thẻ bài chia đều cho khoảng 10 người chơi. Người hát hô được gọi là anh Hiệu hoặc chị Hiệu sẽ rút một quân bài trong ống tre và hát vài câu ca dao hoặc bài vè có liên quan đến quân bài đó, sau đó xướng tên quân bài. Ai có quân bài trùng với tên quân bài vừa được xướng sẽ được trao một lá cờ nhỏ. Ván chơi kết thúc khi một trong số 10 người chơi có đủ 3 lá cờ liên tục.

Ông David Wong, du khách đến từ Mỹ nói: “Tôi thấy đây là một hoạt động hay, là cách để du khách đến được với những nét văn hóa của người Việt Nam. Trò chơi này đã gửi gắm nhiều điều thú vị về văn hóa của người Việt Nam, về khu phố cổ và những điều lịch sử muốn nói từ phố cổ này”.

Cuộc chơi bài chòi có sinh động, có rôm rả hay không phụ thuộc hoàn toàn vào tài hô hát của anh Hiệu, chị Hiệu - những người có tài "ứng khẩu thành thơ", thuộc lòng hàng trăm bài thơ, bài vè, hàng nghìn câu ca dao; phải biết hát nam, hát khách. Trong câu hát của anh Hiệu, chị Hiệu có thể bắt gặp những lời tự sự về nhân tình thế thái, về niềm vui trong cuộc sống, bình yên trong lao động, về những sinh hoạt hàng ngày, ca ngợi tình làng nghĩa xóm, cách đối nhân xử thế...

Trong nỗ lực khôi phục bài chòi sau một thời gian bị lãng quên, từ nhiều năm nay, Trung tâm Văn hóa-Thể thao Hội An, tỉnh Quảng Nam đã tập hợp những nghệ nhân hát bài chòi có tên tuổi từ trước, tập trung sưu tầm và đào tạo cho đội ngũ kế cận.

Ông Dương Quý, đội phó đội tuyên truyền lưu động, Trung tâm Văn hóa-thể thao Hội An cho biết: “Trước chỉ có một đêm ở phố cổ, chúng tôi ra ngoài xem các anh chị diễn. Hiện nay các anh chị đã đào tạo chúng tôi, chúng tôi tự dạy, tự truyền miệng với nhau”.

Tuy không phải là cái nôi của bài chòi, nhưng Hội An giờ đây đã được biết đến là một trong những địa chỉ lớn về hát bài chòi ở miền Trung. Từ sự đầu tư nghiêm túc cho loại hình văn hóa dân gian này, bài chòi đã được đưa đi xa hơn tới nhiều nước trên thế giới.

Theo ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm văn hóa - Thể thao Hội An: “Bài chòi đã đến với Italy, Hàn Quốc, Thái Lan. Chúng tôi phải đầu tư mở lớp và làm thế nào thắp lên ngọn lửa, tình yêu quê hương, đất nước và cống hiến cho cộng đồng”.

Không chỉ là hội chơi trong các dịp lễ hội, bài chòi hiện đang là hoạt động sôi nổi tại hầu khắp các địa phương trong tỉnh Quảng Nam khi nhiều câu lạc bộ hát bài chòi được thành lập. Những điệu hò, câu lý vừa mang đậm chất dân ca truyền thống, vừa mang hơi thở của cuộc sống hiện đại đang hòa quyện vào nhau từ một trò chơi dân gian độc đáo - bài chòi.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước