Áp lực thi trường công nhìn từ kỳ thi tuyển sinh vào 10

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 06/06/2023 18:34 GMT+7

VTV.vn - Nhiều người ví kỳ thi vào lớp 10 còn áp lực hơn kỳ tuyển sinh đại học vì thí sinh không thể thi lại và không có cơ hội chọn lại.

Hôm nay (6/6), hơn 96.000 thí sinh tại TP Hồ Chí Minh bước vào ngày thi đầu tiên kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Dù năm nay số lượng thí sinh chọn không thi vào lớp 10 tăng so với năm 2022 - gần 18.000 thí sinh - thế nhưng áp lực vào trường công vẫn rất lớn. Thậm chí, để chắc khả năng đậu của mình, việc chọn nguyện vọng cùng thứ tự nguyện vọng cũng được các thí sinh tính toán thấp hơn so với năng lực. Tỷ lệ đậu lớp 10 năm nay tại TP dao động ở mức 80%/tổng số học sinh lớp 9 trên địa bàn.

Cánh cổng điểm thi mở ra đồng nghĩa kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đã qua nửa chặng đường. Niềm vui của con trẻ sau mỗi môn thi trở thành niềm hi vọng của cha mẹ. Phần lớn, phụ huynh ai cũng mong muốn con trúng tuyển nguyện vọng trường công lập. Chưa bao giờ cuộc đua vào lớp 10 công lập thôi nóng dù tại TP Hồ Chí Minh, số lượng các trường dân lập tư thục ngày một tăng và chỉ tiêu tuyển sinh nhiều bởi tâm lý chung, ai cũng muốn con học trường tốt, trường công.

Trên cả nước chỉ có 2 tỉnh là Đồng Tháp và Vĩnh Long không tổ chức thi tuyển mà xét tuyển vào lớp 10 bằng kết quả học tập của 4 năm học THCS. Còn hầu hết các địa phương tổ chức thi tuyển trong tháng này. Cùng với TP Hồ Chí Minh, ngày 6/6, nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức thi tuyển vào lớp 10 ngày đầu tiên.

Áp lực thi trường công nhìn từ kỳ thi tuyển sinh vào 10 - Ảnh 1.

Hơn 16.000 thí sinh tỉnh Sơn La dự thi vào lớp 10 (Ảnh: TTXVN)

Tại Sơn La, hơn 16.000 thí sinh đã hoàn thành ngày thi đầu tiên với môn Ngữ văn và Toán theo hình thức tự luận. Thời gian làm bài 120 phút. Tại 42 điểm thi, công tác tổ chức được đảm bảo đúng và đủ quy trình, thủ tục. Ngày thi đầu tiên vắng gần 400 thí sinh. Qua khảo sát môn Ngữ văn, nhiều học sinh đánh giá đề thi vừa sức. Tuy nhiên, để làm bài tốt, bên cạnh kiến thức học trên lớp, thí sinh cần có kiến thức xã hội phong phú. 

Tại Hòa Bình cũng bắt đầu kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 với hơn 10.000 thí sinh. Năm nay, tỉnh chỉ tổ chức 1 đợt thi trong 3 ngày, không chia làm 2 đợt như trước. Buổi sáng, thi môn Ngữ Văn, chiều thi Tiếng Anh. Môn Toán thi vào sáng 7/6. Tổng chỉ tiêu cho 34 trường THPT công lập là gần 8.800 học sinh, khối trường phổ thông dân tộc nội trú là 610 học sinh. Vì thế, có hơn 900 học sinh sẽ học các trường ngoài công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên. Điều này khiến nhiều phụ huynh hồi hộp, lo lắng, đặt nhiều kỳ vọng con sẽ làm bài tốt và thi đỗ vào các trường công lập.

Ngày 10/6 và 11/6, Hà Nội sẽ tổ chức thi vào lớp 10 công lập. Thành phố có tới 116.000 thí sinh, đông nhất cả nước. Sở GD-ĐT thành phố đã đi kiểm tra tình hình chuẩn bị của hơn 200 điểm thi với mục tiêu tổ chức một kỳ thi an toàn, chất lượng. Kỳ thi năm nay, hơn 20.000 giáo viên được huy động để phục vụ thi. Sở GD-ĐT cũng dự trữ tới 10 tấn giấy để phục vụ cho việc in đề.

Ngoài việc đi theo con đường truyền thống là thi lên cấp 3 rồi tiếp tục đại học thì một trong những lựa chọn nhiều phụ huynh và các em học sinh hướng đến hiện nay là học nghề.  Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng liệu cho học sinh học theo chương trình học nghề song song với học văn hóa (thường được gọi là chương trình 9+) có phí phạm không nếu học sinh sau đó lại tiếp tục học lên đại học? 

Việc lựa chọn học nghề hay thi vào lớp 10 công lập cần dựa vào năng lực và nhu cầu thực sự của mỗi học sinh, mỗi gia đình. Kỳ thi vào lớp 10 công lập tại các thành phố lớn vẫn sẽ căng thẳng khi số trường công lập không thể đáp ứng được hết nhu cầu của người học.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước