Băn khoăn khi Bộ Giáo dục “xếp hạng” đạo đức giáo viên

Hoài Thương, Phạm Hùng-Thứ hai, ngày 15/03/2021 10:49 GMT+7

VTV.vn - Trong niềm vui được tăng lương trong thời gian tới thì những quy định mới nhất về chức danh nghề nghiệp giáo viên cũng khiến nhiều người băn khoăn.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp từng bậc học và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên. Trong niềm vui được tăng lương trong thời gian tới thì những quy định mới nhất về chức danh nghề nghiệp giáo viên cũng khiến nhiều người băn khoăn. Mà trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định có 3 hạng chức danh từ thấp đến cao là 3, 2, rồi tới 1; và theo nhiều người hiểu, giáo viên thứ hạng cao thì phải có tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp... cao hơn thứ hạng thấp.

Nhìn vào bộ tiêu chuẩn đạo đức nghề giáo dưới đây, có thể thấy, những quy định ở mỗi thứ hạng đều chung chung, không thể định lượng.

Theo Thông tư 01-02-03-04 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, "tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp" được quy định riêng theo từng hạng giáo viên :

- Giáo viên hạng III (thấp nhất): chấp hành nghiêm túc các quy định, trau dồi đạo đức, thương yêu học sinh, chuẩn mực trong ứng xử...-Giáo viên hạng II: "Ngoài các tiêu chuẩn hạng III, giáo viên hạng II phải "luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo".

- Đối với giáo viên hạng I: "Phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo".

Giáo viên Nguyễn Trung Hiếu, Trường THPT Phúc Lợi, Quận Long Biên, Hà Nội cho biết: "Khi nghe về thông tin này, tôi không hiểu đạo đức sẽ được đánh giá như thế nào để phân hạng. Bởi vì tôi thấy mọi người luôn luôn cần có đạo đức tốt, đặc biệt là nghề giáo".

"Học sinh không chỉ học kiến thức từ phía giáo viên truyền tải mà còn học ở giáo viên chuẩn mực đạo đức. Vì thế mỗi cấp bậc phương pháp khác nhau, phụ thuộc đối tượng học sinh. Còn cái phân bậc giáo viên là không thể" - giáo viên Ngô Thị Hồng Liên, Trường THPT Phúc Lợi, Quận Long Biên, Hà Nội nói.

Băn khoăn khi Bộ Giáo dục “xếp hạng” đạo đức giáo viên - Ảnh 2.

Theo Luật Giáo dục, đạo đức nghề giáo là quy định chung bắt buộc tất cả phải thực hiện. Còn trong Luật Viên chức, chỉ có một bộ quy tắc chung về đạo đức nghề nghiệp, ai trong nghề đó cũng phải tuân thủ, không quy định rõ các tiêu chí cao thấp theo thứ hạng viên chức.

Ông Nguyễn Quý Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi, Long Biên, TP.Hà Nội - cho hay: "Chả nhẽ giáo viên hạng 1, 2 có, còn 3 không có. Tất cả đều phải thực hiện một chuẩn mực đạo đức, không nên phân biệt đạo đức phải theo hạng càng cao đạo đức càng tốt càng thấp càng không cần tốt thì mọi người sẽ nhìn vào thấy nó hơi buồn cười".

Không chỉ quy định trong Luật Giáo dục mà năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 16 "Quy định về đạo đức nhà giáo", cũng công bố một chuẩn mực chung về phẩm chất của giáo viên khi đứng trên bục giảng.

Vì thế, việc chia đạo đức nghề giáo theo hạng như thông tư mới, theo chuyên gia là không phù hợp và không cần thiết.

Theo TS Giáp Văn Dương, chuyên gia giáo dục: "1 bộ tiêu chuẩn phải nhất quán và thống nhất trong toàn bộ ngành đó. Thế nhưng bây giờ lại xếp hạng 1, 2, 3 như thế là không ổn và mâu thuẫn. Đạo đức nghề nghiệp chỉ nói được là vi phạm hay không vi phạm, giống như luật pháp ấy nói là tôi phạm luật hay không phạm luật".

Đạo đức là giá trị phổ quát của mọi người, mọi nghề. Và nghề giáo càng cần phải có phẩm chất tốt, hành vi phù hợp với đặc thù nghề nghiệp. Chứ không nên xếp theo kiểu ở thứ hạng cao sẽ có yêu cầu cao hơn về đạo đức trong nghề.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước