Bí quyết làm bài thi tiếng Anh ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

PV-Chủ nhật, ngày 09/08/2020 06:02 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Trước khi làm bài thi môn Ngoại ngữ ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vào chiều 10/8, Thạc sĩ Lê Nữ Cẩm Lệ đã chia sẻ bí quyết dành cho các sĩ tử thi môn tiếng Anh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ diễn ra trong hai ngày là 09-10/8 với 4 buổi thi tương ứng với bốn bài thi, trong đó thí sinh sẽ làm bài thi môn Ngoại ngữ vào chiều 10/8. Dưới đây là những chia sẻ tâm huyết của Thạc sĩ Lê Nữ Cẩm Lệ, Trưởng Bộ môn Lý thuyết tiếng và Văn hóa Văn minh Anh Mỹ thuộc Viện Ngoại ngữ, trường Đại học Bách khoa Hà Nội về một số bí quyết làm bài thi tiếng Anh ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 dành cho các bạn sĩ tử năm nay.

Giai đoạn ôn tập

Nắm chắc cấu trúc đề thi

Nắm chắc cấu trúc đề thi là một trong những bước quan trọng nhất, giúp các em hình dung rõ ràng nhất mình sẽ thi trong bao nhiêu phút, có bao nhiêu câu hỏi, kiến thức thuộc những phần nào, chuyên đề gì. Điều này giúp các em tự tin bước vào phòng thi, sẵn sàng trả lời các dạng câu hỏi, phạm vi kiến thức mình đã ôn luyện từ trước. Đồng thời, nắm chắc cấu trúc đề thi cũng giúp các em lên kế hoạch thời gian ôn luyện, cũng như phân bổ thời gian làm bài để đạt kết quả cao nhất.

Căn cứ theo đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do Bộ Giáo dục &Đào tạo công bố, kiến thức trong đề thi bám sát với chương trình phổ thông.

Đề thi gồm 50 câu hỏi, làm trong 60 phút ở các dạng bài khác nhau, mức độ từ dễ đến khó. Các phần kiến thức được kiểm tra bao gồm ngữ âm, ngữ pháp - từ vựng, từ - ngữ thể hiện chức năng giao tiếp, kỹ năng đọc và kỹ năng viết. Để đạt được điểm tốt yêu cầu thí sinh cần hiểu rõ và có khả năng vận dụng được những gì đã học.

Ôn luyện

Trong quá trình ôn luyện, các em cần bám sát sách giáo khoa, đề cương ôn tập giáo viên bộ môn tiếng Anh cung cấp.

Các em nên luyện đề của các năm trước, đề giáo viên ở trường phổ thông ra và các đề tham khảo khác theo đúng cấu trúc Đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều quan trọng nhất trong quá trình ôn luyện là các em phải ghi lại điểm qua các lần làm bài, để theo dõi quá trình học tập, mình đã tiến bộ từng ngày như thế nào, tại sao điểm cao lên hay thấp đi. Từ đó, các em sẽ phát hiện ra mình còn yếu ở dạng câu hỏi nào, phạm vi kiến thức cụ thể nào.

Sau quá trình làm đề và phát hiện vấn đề mình cần cải thiện, các em nên tập trung vào ôn luyện chuyên đề đó. Ví dụ, khi phát hiện mình thường hay mất điểm ở phần câu điều kiện, các em hãy tập trung ôn lại kiến thức và luyện tập làm bài phần câu điều kiện.

Sau khi đã ôn luyện chuyên sâu phần nội dung cần cải thiện, các em lại quay lại làm đề, và kiểm tra xem mình đã tiến bộ hơn, ghi thêm điểm ở phần đó hay chưa.

Như vậy, để quá trình ôn luyện đạt hiệu quả, các em cần phải phát hiện và giải quyết vấn đề. Cần phát hiện dạng câu hỏi, phạm vi kiến thức cần cải thiện, tập trung ôn luyện phần kiến thức đó để giải quyết vấn đề, tăng điểm cho bài thi của mình. Điều này để tránh rất nhiều trường hợp, học sinh làm đề rất nhiều, nhưng vẫn giữ nguyên điểm số và không hiểu tại sao, cũng như không biết cách để nâng cao điểm số của mình.

Trong khi thi

1.Hãy luôn bình tĩnh, tự tin mình đã ôn luyện kĩ, mình sẽ làm bài tốt.

2.Phân bổ thời gian trước khi làm bài. Đề thi gồm 50 câu trong vòng 60 phút. Như vậy tính trung bình các em có 1,2 phút/câu. Tuy nhiên, điều quan trọng là các em cần biết khả năng mình tốt và chưa tốt lắm ở dạng câu hỏi, phạm vi kiến thức nào, để làm nhanh phần tốt và phân bổ thêm thời gian cho phần chưa tốt. Ví dụ có những học sinh học rất chắc ngữ pháp, nhưng chưa tốt phần kĩ năng đọc, vậy các em cần dành thêm thời gian cho phần kĩ năng đọc.

3.Không dừng lại quá lâu ở một câu hỏi cụ thể nào đó. Với những câu hỏi khó chưa trả lời được, em có thể đánh dấu để biết mình vẫn chưa làm câu này, một lúc nữa quay lại và làm nốt, tránh bỏ sót. Sau đó em tiếp tục chuyển sang các câu hỏi khác. Điều này tránh việc em mải mê trả lời một câu trong thời gian quá dài, và cuối cùng đánh mất thời gian để trả lời nhiều câu hỏi tiếp theo.

4.Cần kiểm tra lại kĩ lại bài làm. Có một thực tế là học sinh thường mất điểm vì những lí do không đáng có: câu dễ làm quá nhanh, bỏ sót câu, tô nhầm câu trả lời… vì học sinh chưa cẩn thận. Chính vì thế, dù đề dễ hay khó, các em cần phải kiểm tra lại bài làm, soát bài rất kĩ càng, tránh chọn câu trả lời sai gây nhiễu, tránh bỏ sót, tránh tô nhầm câu trả lời…

Bí quyết làm bài thi tiếng Anh ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 - Ảnh 1.

Th.S Lê Nữ Cẩm Lệ

Một số gợi ý làm bài cho các phần thi

1. Ngữ âm

- Đọc kỹ đề, xác định câu hỏi về phát âm nguyên âm, phụ âm hay về trọng âm.

- Nắm chắc và áp dụng các quy tắc phát âm cũng như nhấn trọng âm.

- Học kĩ các từ có trong phần từ vựng được tổng kết ở cuối sách giáo khoa.

- Khi ôn luyện, cần sử dụng từ điển tin cậy để kiểm tra kỹ phát âm nguyên âm, phụ âm và trọng âm. Các em có thể sử dụng một số từ điển online tin cậy như sau:

https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/

https://www.ldoceonline.com/

https://dictionary.cambridge.org/

Thông thường câu hỏi ở phần ngữ âm khá dễ, đa số các từ đều có trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, các em không nên chủ quan mà vẫn phải kiểm tra lại thật chắc để tránh bị nhầm hay mắc phải sai sót không đáng có.

2. Ngữ pháp – Từ vựng

-Đọc kỹ đề, vận dụng kiến thức đã học để phân tích cấu trúc câu; từ đó phát hiện chỗ trống còn thiếu liên quan đến thành phần từ vựng hoặc ngữ pháp nào để xác định câu trả lời đúng.

-Chú ý cả phương pháp loại trừ các đáp án sai.

-Cần phân tích nghĩa của từ trong văn cảnh, trong mối quan hệ với các từ bên cạnh, để xác định nghĩa của từ nhằm chọn được câu trả lời đúng.

3. Kĩ năng đọc:

Phần đọc có hai dạng chính: đọc điền từ vào chỗ trống và và đọc hiểu tìm đáp án cho câu hỏi

a. Đọc điền từ vào chỗ trống

-Đọc kỹ các câu, các từ trước và sau chỗ trống để tìm mối liên hệ.

-Phân tích chỗ trống cần điền liên quan đến từ vựng hay ngữ pháp để vận dụng kiến thức từ vựng và ngữ pháp chọn câu trả lời đúng.

b. Đọc hiểu tìm đáp án cho câu hỏi

-Đọc câu hỏi trước để hiểu câu đó muốn hỏi về vấn đề gì, gạch chân các từ quan trọng trong câu hỏi; chưa cần đọc các lựa chọn trả lời. Điều này rất quan trọng, để chuẩn bị khi em bắt đầu vào bài đọc, em biết mình cần đọc những thông tin gì để trả lời cho các câu hỏi với các từ quan trọng vừa gạch chân.

-Sau khi đọc câu hỏi và gạch chân từ quan trọng, em đọc nhanh cả bài để đọc hiểu ý chính cả bài và đánh dấu lại thông tin khi thấy thông tin liên quan đến câu hỏi.

-Đọc kĩ những đoạn, câu chứa thông tin quan trọng trả lời cho câu hỏi.

-Chọn câu trả lời đúng khi đã hình thành được mối liên hệ rõ ràng, chắc chắn giữa thông tin trong bài đọc và câu trả lời.

-Khi không chắc về câu trả lời, các em hãy đoán đáp án bằng phương pháp loại trừ lựa chọn sai.

-Không cố dịch hết tất cả các từ trong bài cũng như dịch cả bài.

4. Kĩ năng Viết

-Đọc kĩ câu ban đầu, xác định ý nghĩa, nội dung, cấu trúc ngữ pháp của câu.

-Đọc kĩ các lựa chọn và chỉ chọn đáp án đảm bảo nghĩa của câu sau không đổi so với câu ban đầu.

Lời khuyên cuối cùng là mong các em giữ gìn sức khỏe, ôn tập tốt sẵn sàng bước vào kì thi với tâm thế thoải mái, tự tin nhất, đạt được kết quả cao, mở cánh cửa bước vào giảng đường đại học hoặc những chân trời mơ ước mới.

Th.S Lê Nữ Cẩm Lệ hiện là Trưởng Bộ môn Lý thuyết tiếng và Văn hóa – Văn minh Anh Mỹ thuộc Viện Ngoại ngữ (Đại học Bách khoa Hà Nội). Th.S Lê Nữ Cẩm Lệ tốt nghiệp Thạc sĩ Ngôn ngữ học Ứng dụng, Lý luận và Phương pháp Giảng dạy Tiếng Anh tại Đại học Newcastle, Vương Quốc Anh và Thạc sĩ Ngôn ngữ học Ứng dụng tại Đại học La Trobe, Úc. Th.S Lê Nữ Cẩm Lệ đồng thời là Điều phối viên Việt Nam của Mạng lưới quốc tế về Giảng dạy tiếng Anh và Giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh do Đại học Edinburgh, Vương Quốc Anh thành lập với sự tài trợ của chính phủ Vương quốc Anh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước