Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố kết quả đánh giá học sinh quốc tế PISA 2018 tại 79 quốc gia, vùng lãnh thổ. PISA xây dựng một khung đánh giá năng lực riêng không dựa trên bất cứ chương trình giáo dục của quốc gia nào về 3 lĩnh vực là Toán học, Khoa học, Đọc hiểu để đánh giá học sinh tuổi 15, tuổi kết thúc chương trình giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia. Mỗi kỳ đánh giá sẽ có một lĩnh vực được lựa chọn để đánh giá sâu hơn gọi là lĩnh vực trọng tâm và sử dụng làm căn cứ để xếp loại chất lượng giáo dục của các quốc gia.
Đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết, xem xét kết quả PISA 2018 cho thấy, trong lĩnh vực Đọc hiểu, Việt Nam đạt điểm số cao thứ 13 trong tổng số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Lĩnh vực Toán học, Việt Nam đạt điểm số cao thứ 24. Lĩnh vực Khoa học, Việt Nam đạt điểm số cao thứ 4. Như vậy, so với năm 2012 và 2015, kết quả các lĩnh vực đều tăng lên đáng kể.
PISA là chương trình đánh giá học sinh quốc tế, có quy mô toàn cầu và được thực hiện 3 năm 1 lần. Các học sinh đạt 15 tuổi ở các quốc gia làm bài kiểm tra trong 3 lĩnh vực là Toán học, Khoa học, Đọc hiểu. Việt Nam là 1 trong 9 nước học sinh còn làm bài thi trên giấy, các quốc gia còn lại đều thi trên máy tính. Đề thi do OECD biên soạn, bảo mật và gửi tới các quốc gia tham dự thi. Đây là lần thứ ba Việt Nam tham gia chương trình đánh giá quốc tế này.
Mặc dù điểm số cao nhưng trong lần đánh giá này, Việt Nam lại không có tên trên bảng xếp hạng chính thức của OECD. Đây là điều bất thường so với 2 kỳ đánh giá trước đó. Được biết, trong vài tháng trước, đại diện OECD đã tới Việt Nam để kiểm tra, rà soát lại kết quả làm bài thi của các học sinh. Phóng viên Việt Nam hôm nay đã phỏng vấn đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc vì sao Việt Nam "vắng bóng" tại bảng so sánh với các nước?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!