Đây là phát ngôn của người đứng đầu ngành giáo dục khiến dư luận chú ý trong tuần qua. Chính Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận bản thân ông mất quá nhiều thời gian cho thi cử.
* Tờ Lao động phân tích: Dĩ nhiên học phải có kiểm tra, có thi nhưng thi cử là câu chuyện mà Bộ Giáo dục và Đào tạo loay hoay hàng chục năm nay vẫn chưa tìm ra được con đường hanh thông khả dĩ nhất. Kéo theo đó, gần như cả xã hội mỗi mùa thi cử đến là quay cuồng, "sôi" lên sùng sục. Nay Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tuyên bố bản thân ông sẽ "thoát" ra khỏi vòng xoáy thi cử thì mừng quá. Bởi cả xã hội đều muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo phải là bộ dạy, tất cả đổi mới phải bắt đầu từ dạy chứ không phải từ thi.
Tờ Lao động cũng hoan nghênh Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã dũng cảm giảm áp lực thi cử để Bộ Giáo dục và Đào tạo không giống như "bộ thi". Nhưng nhân dân sẽ vỗ tay mạnh hơn nếu sự nghiệp "bình định" lại hệ thống các trường Đại học của ông thành công.
* Tờ Đại biểu Nhân dân nhận định: Bộ Giáo dục và Đào tạo mấy năm qua cứ loay hoay trong cải tiến đổi mới thi cử, xem ra càng lăn xả vào đổi mới thi cử, càng thêm lúng túng, càng lộ loay hoay. Căn bệnh "trầm kha" của ngành giáo dục đào tạo là bệnh thành tích. Thi tốt nghiệp phổ thông năm nào cũng đỗ 98 - 99%, còn lúc làm chặt được 70 - 80%, liệu có thực chất không? Cái yếu nhất chính là các cơ sở Đại học cứ dạy, cứ cấp bằng nhưng lại bị doanh nghiệp "lắc đầu", nhà tuyển dụng ngó lơ.
Một vấn đề khác là xây dựng cơ chế tự chủ cho Đại học, để trường Đại học chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo và nhiều vấn đề khác. Đây cũng là cách để Bộ Giáo dục và Đào tạo thoát khỏi "bộ thi".
* Theo tờ Tuổi trẻ: Kêu gọi các trường phải chịu trách nhiệm về kết quả đào tạo, thậm chí trao quyền tự chủ cho các trường thì dễ, còn làm thế nào để chất lượng thật sự được cải thiện thì khó hơn nhiều và đó mới là điều xã hội đang mong đợi.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!