Theo Đại tá Vũ Xuân Tiến, Trưởng ban Thư ký Ban Tuyển sinh quân sự, năm 2021 có 17 học viện, nhà trường trong quân đội được Bộ Quốc phòng giao tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học quân sự với 5.000 chỉ tiêu đào tạo cán bộ cấp phân đội ở trình độ đại học; Trường Sĩ quan Không quân được giao tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng quân sự ngành Kỹ thuật hàng không với 80 chỉ tiêu.
Thí sinh tham gia xét tuyển vào đại học, cao đẳng quân sự tại các trường quân đội đối với thanh niên ngoài quân đội có độ tuổi từ 17 đến 21; quân nhân tại ngũ hoặc đã xuất ngũ có độ tuổi từ 18 đến 23. Các thí sinh đều phải qua sơ tuyển, đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng. Quá trình sơ tuyển được triển khai từ ngày 1/3 đến hết ngày 25/4. Có 3 học viện tuyển sinh nữ, gồm: Học viện Kỹ thuật quân sự với 33 chỉ tiêu; Học viện Quân y với 40 chỉ tiêu; Học viện Khoa học quân sự với 8 chỉ tiêu.
Năm 2021, các trường trong quân đội tiếp tục thực hiện tuyển sinh theo phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển. Đáng chú ý, Bộ Quốc phòng không tuyển sinh đào tạo ngành Tài chính tại Học viện Hậu cần và ngành Quan hệ quốc tế về quốc phòng tại Học viện Khoa học quân sự.
Theo quy định, thí sinh chỉ được đăng ký 1 nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất vào một trường trong quân đội ngay từ khi làm hồ sơ sơ tuyển; nếu trường có nhiều ngành đào tạo, thí sinh chỉ được đăng ký dự tuyển vào một ngành. Thí sinh đăng ký vào các nguyện vọng còn lại vào các trường ngoài quân đội, việc đăng ký thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, nếu muốn thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển thì thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!