Những ngày cuối tháng 12, Việt Nam có nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm nay còn có sự kiện lịch sử tiêu biểu là kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không của quân và dân Hà Nội trước đế quốc Mỹ vào mùa đông năm 1972. Khắp các trường học, nhiều hoạt động được tổ chức.
Đây chính là lúc nhìn nhận việc dạy lịch sử trong các nhà trường đang diễn ra như thế nào bởi yêu cầu đổi mới để học sinh hiểu lịch sử, yêu lịch sử là một yêu cầu bắt buộc sau rất nhiều ý kiến việc dạy lịch sử vẫn còn nặng về con số, sự kiện, ghi nhớ máy móc.
Độc đáo mô hình chiến dịch ''Điện Biên Phủ trên không"
Tại trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội), các em học sinh lớp 8, lớp 9 đã học lịch sử bằng cách thực hiện một mô hình về trận Điện Biên Phủ trên không. Đây là mô hình đạt giải Nhì trong Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc.
Mô hình cung cấp những con số về sức tấn công, tàn phá ghê gớm của đế quốc Mỹ nhưng mặt khác thể hiện sự đánh trả kiên cường, anh dũng và chiến thắng của quân, dân Thủ đô. Điều các em thu nhận không chỉ là kiến thức, mà còn những bài học thực tế khác.
Với mô hình này, các học sinh còn thiết kế mã QR ở từng địa điểm. Người xem sẽ quét mã và có thông tin chi tiết bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Nhóm dự định sẽ có thêm nhiều thứ tiếng khác nhau như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Nga... với mong muốn kết nối giữa học sinh với giáo viên, giữa lịch sử và hiện đại, giữa người Việt Nam với du khách quốc tế.
Trong chương trình giáo dục phổ thông, lớp 4 bắt đầu có môn học Lịch sử. Việc dạy lịch sử ở giai đoạn đầu tiên này vô cùng quan trọng bởi sẽ khiến các em nghĩ đó chỉ là một việc ghi nhớ, đọc chép hay là thực sự say mê tìm hiểu. Trường Tiểu học Đông Ngạc B ở Hà Nội đã sớm triển khai các tiết học mở bên ngoài để tạo sự hứng thú cho các em.
Học lịch sử tại các di tích
Đình Chèm là một di tích lịch sử, văn hóa quốc gia. Đình nằm cách trường Tiểu học Đông Ngạc B chỉ 1 cây số. Nhiều học sinh ngày nào cũng đi qua nhưng lần đầu mới được tìm hiểu một cách đầy đủ.
Nhà trường mời một cụ trong Ban quản lý di tích giới thiệu tường tận cho các em. Đình thờ Đức thánh Lý Ông Trọng, một người con của làng Chèm. Ông sinh vào thời vua Hùng vương thứ 18. Ngay bên ngoài, 4 cột trụ được xem là biểu tượng về tài năng của ông.
Đình Chèm đã hơn 2000 năm tuổi, còn những học sinh này mới 10 tuổi. Cho các em đến thăm quan nhưng cô giáo nêu rõ các thông tin học sinh cần quan tâm về lịch sử, kiến trúc hay vị trí địa lý.
Điểm mới mẻ của lớp học mở này là không chỉ những học sinh có mặt trực tiếp ở đây được học. Nhà trường còn sử dụng Internet kết nối với các trường khác trong quận, trong thành phố, thậm chí là các trường học nước ngoài để cùng tham dự lớp học ảo.
Như một nhà nghiên cứu đã nói: Nước càng văn minh thì người dân càng yêu nước. Càng yêu nước thì càng nhớ người xưa. Với chuyên đề Em yêu sử Việt, các học sinh đã có một tiết học ý nghĩa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!