Những tờ báo bình luận, tường thuật về chiến tranh thế giới này là bài tập nhóm do cô Nguyễn Thị Thanh Ngọc - giáo viên dạy môn Lịch sử THPT FPT Hà Nội giao cho các bạn học sinh lớp 11.
Do có sự tham gia của nhiều lớp nên tên tuổi các tờ báo cũng rất đa dạng như: Saigon News; Báo Tân thời: LSVN News: The World News: The Algerian Times; The Boy Post... Hình thức thể hiện phong phú từ chuỗi báo giấy chính thống; tạp chí; đến poster cổ động...
Các bạn học sinh sẽ "nhập vai" thành những nhà báo thời chiến, chứng kiến lần lượt hai cuộc chiến tranh thế giới diễn ra bằng cách đọc tài liệu, xem các video phóng sự, tài liệu tham khảo và viết tường thuật lại theo quan điểm của mình.
Điểm thú vị của bài tập này là học sinh vừa phải tiếp nhận thông tin một cách nghiêm túc để tường thuật, vừa được đánh giá nó dựa trên ý kiến cá nhân. Sản phẩm đã thể hiện những suy nghĩ đa chiều của các bạn. Cuộc chiến tranh thế giới đâu chỉ toàn bạo lực, vũ khí mà còn rất nhiều câu chuyện nhân văn xung quanh nó.
Chia sẻ về sự ra đời của chuỗi toà soạn báo nhỏ, cô Thanh Ngọc cho biết: "Lịch sử là môn học không thể tiếp nhận dễ dàng bằng phương pháp chỉ giảng - chép thông thường, học sinh thời nay có đủ sáng tạo và thông minh để tiếp thu bài học theo một phương thức mới sinh động hơn. Mình muốn các bạn là một phần của lịch sử thay vì đọc qua sách thôi, nên mục đích mình nghĩ ra ý tưởng này là để các bạn hiểu sâu, nhớ lâu về 2 cuộc chiến tranh thế giới."
Về nội dung, trong mỗi tờ báo cũng rất logic khi từng mục giới thiệu cuộc chiến, nguyên nhân, diễn biến, kết quả và ý nghĩa được trình bày ngắn gọn dễ hiểu bằng bảng biểu; vừa đưa thông tin vừa bình luận.
Một số tựa bài rất hút mắt người đọc có thể kể đến: "Cuộc đại chiến đã chấm dứt, vậy ai là người chiến thắng", rõ ràng khi chiến tranh nổ ra dù có là nước thắng trận thì những tổn thất mang đến cũng quá nặng nề, bài viết của Nguyễn Chí Bảo, học sinh 11A2 viết về khía cạnh nhân văn của kết cục chiến tranh khiến người đọc có cái nhìn "dịu" hơn về sự kiện khốc liệt này.
Toà soạn được vận hành trơn tru bởi sự phối kết hợp giữa các thành viên: 1 tổng biên tập điều phối hoạt động làm bài; các cá nhân đều phải tìm hiểu tài liệu để tạo ra bài viết, một số thành viên thành thạo các công cụ sẽ đảm đương phần thiết kế để tờ báo được chất lượng và đẹp nhất.
Trần Ngọc Minh, học sinh 11A1 chia sẻ: "Điều khó khăn nhất để có tờ báo chất lượng là sự phối hợp của các thành viên hay còn gọi là làm việc nhóm. Dù là viết bài cá nhân nhưng bọn em cũng vẫn phải thống nhất một số khía cạnh để nội dung tờ báo được nhất quán như: Mình chọn khai thác tính nhân văn qua các câu chuyện ngoài lề; hay bàn đến lợi ích của các quốc gia hay lên án tính phi nghĩa của cuộc chiến. Có tranh luận, phản biện nên quá trình làm việc nhóm trở nên công bằng với các thành viên, từ đó em và các bạn hiểu được gốc rễ vấn đề và nhớ bài rất sâu và lâu."
Các bạn học sinh THPT FPT sử dụng các website thiết kế miễn phí như Canva; Design Bold, "xịn" hơn là bằng Photoshop để hoàn thành bài tập. Được trang bị kỹ năng thiết kế trong bộ môn tin học, lớp nghệ thuật, thường xuyên làm bài tập bằng hình thức thiết kế poster, slide… nên yêu cầu này không làm khó các FSchooler.
Bên cạnh dự án nhập vai nhà báo để học sử, THPT FPT Hà Nội còn được biết đến bởi những cách học lịch sử độc lạ như: Học Sử để bất tử - Website giao nhận bài tập thiết kế poster lịch sử; tìm hiểu quá trình tiến hoá của loài người qua 3D tương tác…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!