Cần Thơ: Thu hút nguồn lực đầu tư, gắn đào tạo với sử dụng lao động

Theo TTXVN-Thứ sáu, ngày 25/09/2015 07:21 GMT+7

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Quảng Ngãi)

VTV.vn - Việc xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của thành phố trong thời gian tới.

Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã xác định: Thành phố Cần Thơ là thành phố giàu tiềm năng, giữ vai trò quan trọng cả về chính trị, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, là động lực phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của vùng và cả nước... Vì vậy, việc xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả vùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của thành phố trong thời gian tới.

Theo PGS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thành phố Cần Thơ cần căn cứ vào cung - cầu so với cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo của các trường trên địa bàn để định hình nhu cầu phát triển thêm cơ sở đào tạo đúng lộ trình hợp lý và khả thi. Thành phố cũng cần liên kết với các cơ sở đào tạo hiện có trong và ngoài địa bàn; có cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào phát triển cơ sở đào tạo bao gồm đầu tư từ ngoài nhà nước; chuẩn bị nguồn nhân lực, cán bộ có trình độ cao để tham gia vào hệ thống đào tạo...

Thành phố cũng cần xem việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như là một “dịch vụ” chứ không đơn thuần là đào tạo theo nhiệm vụ chính trị của địa phương hay Nhà nước. Chính dịch vụ mới tiếp cận tốt nhất đến nhu cầu về chất lượng và số lượng, thu hút sự đầu tư vào lĩnh vực đào tạo. Phải gắn kết với doanh nghiệp trong sử dụng lao động và thu hút doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình đào tạo để vừa có thêm nguồn lực đầu tư đồng thời gắn với sử dụng lao động sau đào tạo...

Ngoài ra, thành phố cũng cần có các chính sách trực tiếp và gián tiếp nhằm quy tụ tài năng cho hệ thống đào tạo từ bên trong và bên ngoài vùng như: Sinh viên giỏi, những giảng viên có năng lực giảng dạy tốt; những nhà nghiên cứu xuất sắc có khả năng sáng tạo và chuyển giao tri thức vượt trội tham gia vào hệ thống đào tạo...

Năm 2015, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 43 trường đại học và cao đẳng, 30 trường trung cấp chuyên nghiệp, chiếm 6,4% số trường đại học và 12% số trường cao đẳng trong cả nước. Tổng số sinh viên chính quy trong các trường đại học, cao đẳng và trung cấp toàn vùng là 156.000 sinh viên. Nếu so với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020 thì tổng số trường nói trên còn thiếu tới 27 trường (quy hoạch được duyệt đến năm 2020 là toàn vùng có 70 trường đại học, cao đẳng).

Riêng thành phố Cần Thơ hiện có 5 trường đại học, 5 trường cao đẳng, 1 học viện, 1 phân hiệu và 12 trường trung cấp chuyên nghiệp với tổng số 76.677 sinh viên đại học, cao đẳng và trung cấp chính quy, chiếm gần 50% số sinh viên của cả vùng. Thành phố Cần Thơ có 4.260 người có trình độ sau đại học, trong đó có 234 người có trình độ tiến sĩ. Trường Đại học Cần Thơ và Đại học Y Dược Cần Thơ là 2 trường có chất lượng đào tạo cao, giữ được uy tín hàng đầu trong khu vực và cả nước.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước