Với bề dày 63 năm xây dựng và phát triển, đến nay trường Cao đẳng Truyền hình đã có được bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Các chuyên ngành được mở rộng, cơ sở vật chất, thiết bị chuyên dụng ngày một hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập và thực hành của sinh viên. Nhà trường cũng đang tích cực đổi mới chương trình đào tạo, đề cương môn học theo hướng sát với yêu cầu thực tế nhằm đáp ứng đòi hỏi về chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan báo chí, truyền thông trong cả nước.
Trong các đợt khảo sát thực tế và qua một số công trình nghiên cứu khoa học, nhà trường đều nhận được những phản hồi tích cực về hiệu quả đào tạo được biểu hiện qua năng lực của sinh viên làm việc tại cơ sở. Ưu điểm lớn nhất của sinh viên sau khi tốt nghiệp là tiếp cận nhanh với thực tế nghề nghiệp, có thể tham gia vào nhiều chức danh trong dây chuyền sản xuất chương trình truyền hình (từ tiền kỳ đến hậu kỳ và phát sóng).
Đặc biệt, sau nhiều năm đào tạo chuyên ngành truyền hình như: Báo chí, Quay phim, Công nghệ Điện ảnh - Truyền hình, Đồ họa trong sản xuất các chương trình…, nhiều đài truyền hình từ trung ương, khu vực đến địa phương đều đánh giá cao chất lượng, kỹ năng nghề sinh viên nhà trường. Lực lượng này sau khi ra trường đã đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội cả về số lượng và chất lượng.
Đạt được kết quả trên là do sự kiên trì đi theo những định hướng đào tạo của nhà trường:
Một là, gắn lý thuyết với thực hành, rút ngắn khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn. Theo hướng này, nhà trường đã yêu cầu các khoa chuyên môn thiết kế từ khung chương trình đào tạo đến đề cương chi tiết của từng học phần, trong đó chú trọng đến thời lượng dành cho thực hành nghề nghiệp.
Trường Cao đẳng Truyền hình cũng xác định rõ, đây không chỉ là môi trường đào tạo thuần túy mà còn là một "xưởng sản xuất". Vì vậy, hàng tháng nhà trường tổ chức cho sinh viên thực hiện: 04 chương trình truyền hình nội bộ (thời lượng từ 30 đến 45 phút/chương trình); mỗi tuần 2 số truyền thanh nội bộ; xuất bản một Tạp chí báo in (36 trang/01 số). Đây là dịp để sinh viên tham gia vào các công đoạn của quy trình sản xuất tác phẩm, từ việc xây dựng ý tưởng, lên kế hoạch tổ chức sản xuất, tác nghiệp hoàn thiện tác phẩm, biên dịch thông tin quốc tế, dẫn chương trình, ghi hình trường quay, xử lý hậu kỳ hoàn thiện tác phẩm…
Ngoài ra, hàng năm, trường còn tổ chức các cuộc thi nhằm khuyến khích và khơi dậy niềm đam mê nghề nghiệp của sinh viên, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đào tạo theo phương thức "học đi đôi với hành" như: Cuộc thi Liên hoan phim ngắn SCTV, Lễ trao sản phẩm báo chí xuất sắc, cuộc thi Ống kính Sinh viên…
Hai là, chú trọng đầu tư thiết bị thực hành: Về trang thiết bị phục vụ thí nghiệm thực hành, trường Cao đẳng Truyền hình được đánh giá là đơn vị có cơ sở vật chất hiện đại nhất trong các cơ sở đào tạo báo chí ở Việt Nam cả về số lượng, chủng loại và khả năng cập nhật thiết bị.
Ba là, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập: Trong những năm qua, đội ngũ giảng viên của trường luôn được bổ sung và nâng cấp cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh lực lượng giảng viên cơ hữu, nhà trường đã mời đội ngũ chuyên gia đang làm việc tại các đơn vị thuộc Đài THVN cũng như các cơ quan thông tấn ở Trung ương đến tham gia giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm thực tiễn.
Là cái nôi đào tạo của ngành truyền hình, trong nhiều năm qua, trường Cao đẳng Truyền hình luôn là địa chỉ đào tạo tin cậy nguồn nhân lực chuyên nghiệp ngành báo chí - truyền hình, cung cấp nhân lực cho các cơ quan báo chí, truyền thông, các Đài Phát thanh - Truyền hình trong cả nước. Ngoài công tác đào tạo chính quy, nhà trường còn tích cực tổ chức đào tạo ngắn hạn, liên thông liên kết với các trường đại học.
Năm 2019, trường Cao đẳng Truyền hình tuyển sinh 545 chỉ tiêu. Trong đó:
Hệ Cao đẳng: 245 chỉ tiêu
Hệ Trung cấp: 300 chỉ tiêu
Mọi thông tin chi tiết xem tại địa chỉ: http://ctv.vtv.vn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!