ChatGPT - Lợi bất cập hại đối với học sinh?

Hoài Thương-Thứ ba, ngày 07/02/2023 21:18 GMT+7

VTV.vn - Những ngày này, thầy, cô giáo và cả học sinh, sinh viên nhiều trường đều đang bàn tán xôn xao về phần mềm trí tuệ nhân tạo ChatGPT.

Học sinh liệu có lười đi khi phụ thuộc vào các câu trả lời của ChatGPT, hay làm sao để việc học tập kiến thức của con người phù hợp hơn trong một thế giới trí tuệ nhân tạo đang tiến bộ từng ngày?

"Câu em hỏi con ChatGPT này là mùa valentine sắp tới, mình nên mua gì để tặng bạn nữ? Bao gồm như hoa, sản phẩm bảo vệ da, trang điểm, sưu tập trang sức. Em thấy nó nhiều hơn những gì em tưởng tượng. Nếu là em thì em chưa thể nghĩ nhiều được như nó. Nó vượt ngoài sức tưởng tượng của em", học sinh Đinh Xuân Thành, lớp 12, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, chia sẻ.

Thích thú, tò mò, học sinh và giáo viên đang thử các câu hỏi để kiểm tra phần giải đáp của phần mềm ChatGPT.

"Lợi ích của nó rất lớn, nhưng cũng rất đáng quan ngại, ở chỗ nếu chúng ta không sử dụng đúng thì mặt lợi chưa thấy mà thấy hại hơn, lợi bất cập hại, nhất là đối với học sinh", giáo viên Trần Thị Thành, Bộ môn Ngữ Văn, Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, đánh giá.

ChatGPT - Lợi bất cập hại đối với học sinh? - Ảnh 1.

Cơn sốt mang tên ChatGPT đang len lỏi vào cả các trường học. (Ảnh minh họa - Ảnh: Searchengine Journal)

"Em thử làm bài tập văn, toán, lý trong vòng cả buổi tối, khoảng 2 - 3 tiếng. Tuy nhiên, có sự hỗ trợ của phần mềm này em có thể hoàn thành bài tập trong vòng 10 phút", học sinh Đỗ Đình Long, Lớp 11, Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, cho biết.

Còn với sinh viên chuyên ngành máy tính lại mổ xẻ ChatGPT theo một cách học thuật hơn.

"Nó thường đúng chứ không phải luôn luôn đúng. Nếu mình sử dụng nó mà mình không có kiến thức thì mình rất dễ bị nó lừa. Nó thu thập dữ liệu lớn nên nó có thể dễ dàng thuyết phục mình bởi những thông tin sai lầm", sinh viên Phạm Ngọc Quân, Ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho hay.

"Những công nghệ này chúng em đã được học. Trước đây, họ chỉ ứng dụng trong môi trường học thuật, chứ chưa sử dụng thương mại như con ChatGPT này", sinh viên Đặng Vũ Hoàng Hiệp, Ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, nói.

ChatGPT đặt ra thách thức cho những người làm giáo dục trong việc thay đổi cách dạy và cách kiểm tra, đánh giá.

"Các thầy lại đau đầu nghĩ cách nào để đánh giá mức độ hiểu của các bạn sinh viên về các nội dung bài học. Vì sự hỗ trợ của ChatGPT đâu đó 70 - 80%", TS. Phạm Quang Dũng, giảng viên Khoa khoa học máy tính, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, thông tin.

ChatGPT sẽ mang lại nhiều giá trị nếu biết sử dụng thích hợp. Học sinh, sinh viên có thể tham khảo cách giải toán và các bài viết bài, hay ít nhất mỗi người cũng có thể tự học từ ChatGPT để nâng cao hiểu biết cho bản thân.

Bê bối ChatGPT viết luận văn tốt nghiệp tại trường đại học Nga Bê bối ChatGPT viết luận văn tốt nghiệp tại trường đại học Nga

VTV.vn - Đại học Nhân văn Quốc gia Nga đã kêu gọi hạn chế quyền truy cập vào ChatGPT sau khi một sinh viên đã bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp do chương trình này viết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước