Chế phẩm xử lý rác thải nhựa - sáng kiến hữu ích của học sinh Hà Nội

PV-Thứ tư, ngày 09/08/2023 16:59 GMT+7

VTV.vn - Đề tài đạt Huy chương Vàng Olympic Phát minh và Sáng chế Thế giới 2023 và giải Đặc biệt do Đại học Chulalongkorn của Thái Lan trao tặng.

"Hàng ngày, hàng nghìn tấn rác thải nhựa thải ra môi trường mà không thể xử lý hết được. Chúng em luôn suy nghĩ về một chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường, có tác dụng phân hủy rác thải nhựa để ngăn ngừa ô nhiễm thứ cấp". Đây chính là lý do để các em Lê Trần Hiền Mai,lớp 11A1 và Nguyễn Hà Chi, lớp 11 chuyên Anh Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An (quận Tây Hồ) cùng nhóm học sinh Trường Trung học Cơ sở Giảng Võ (quận Ba Đình) cùng nhau nghiên cứu nhằm tạo ra chế phẩm xử lý nhựa rác thải gia đình. Dự án "Nghiên cứu tạo chế phẩm xử lý nhựa rác thải gia đình" của các em đã giành Huy chương Vàng Olympic Phát minh và Sáng chế Thế giới (World Invention and Creativity Olympiad - WICO) 2023 và giải Đặc biệt do Đại học Chulalongkorn của Thái Lan trao tặng.

Chế phẩm xử lý rác thải nhựa - sáng kiến hữu ích của học sinh Hà Nội - Ảnh 1.

2 nữ sinh cùng nhóm bạn đạt Huy chương Vàng Olympic Phát minh và Sáng chế Thế giới 2023 (WICO) tại Hàn Quốc. Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô.

WICO là cuộc thi dành cho các nhóm học sinh phổ thông với những phát minh và sáng chế thực tiễn được tổ chức thường niên bởi Hiệp hội Sáng chế Đại học Hàn Quốc (KUIA), Quốc hội Hàn Quốc công nhận và tài trợ. Với mục đích khơi gợi năng khiếu và niềm yêu thích khoa học kỹ thuật, thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa học sinh đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, cuộc thi đã mang đến cơ hội phát triển bản thân và nâng bước các em trên con đường học tập trong tương lai.

Chia sẻ về dự án, Lê Trần Hiền Mai cho biết, em và Nguyễn Hà Chi cùng các bạn học sinh đã dành thời gian tìm hiểu về vấn nạn rác thải trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Nhìn vào thực tế, rác thải đang trở thành vấn đề nan giải không chỉ với Việt Nam mà toàn thế giới. Theo số liệu thống kê, lượng rác thải mỗi ngày tại Việt Nam khoảng 50.000 tấn. Trong con số khổng lồ này, phần lớn là rác thải nhựa, những sản phẩm từ nhựa được tạo ra với mục đích dùng một lần.

Nắm bắt được vấn đề, Hiền Mai cùng Hà Chi và nhóm bạn đã nghiên cứu chế phẩm xử lý nhựa rác thải gia đình. Mai cho rằng đây là chủ đề khá nhức nhối không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. "Mặc dù hiện nay đã có nhiều giải pháp, song giải pháp vừa xử lý được vấn đề, vừa thực sự thân thiện với môi trường thì chưa có. Chúng em nghĩ rằng nếu tạo ra một chế phẩm sinh học có tác dụng phân hủy rác thải, có thể ngăn được ô nhiễm thứ cấp", Nguyễn Hà Chi tâm sự.

Hiện thực hóa mong muốn đó, dưới sự hướng dẫn của cô Đoàn Thị Lan, thầy Trịnh Hoài Dương (Trường Trung học Cơ sở Giảng Võ) và Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Thị Nhi Công (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhóm đã bắt tay vào nghiên cứu tạo chế phẩm xử lý nhựa rác thải gia đình. "Các thầy cô đóng vai trò vô cùng quan trọng trong toàn bộ quá trình nghiên cứu và thực hiện dự án. Trong từng bài học, từng buổi nghiên cứu, chúng em luôn được các thầy cô sát cánh, nhiệt tình chỉ dẫn. Ngay cả khi cuộc thi đã kết thúc, chúng em vẫn nhận được sự đồng hành của các thầy cô", Lê Trần Hiền Mai chia sẻ.

Khi bắt tay vào nghiên cứu, Hiền Mai và Hà Chi đã có những băn khoăn về hướng đi, tìm kiếm tài liệu chuyên ngành, những điểm nghẽn của đề tài… Các em cho biết, trở ngại lớn nhất đối với các thành viên chính là việc chưa từng tiếp xúc với những kiến thức chuyên môn như vậy. Do đó, các em đã phải mất một thời gian khá dài để có thể hiểu rõ về đề tài trước khi thực hiện. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm cũng luôn hỗ trợ nhau và bù trừ cho khuyết điểm của nhau nên tiến độ nghiên cứu của nhóm luôn được đảm bảo.

Chế phẩm xử lý rác thải nhựa - sáng kiến hữu ích của học sinh Hà Nội - Ảnh 2.

Hai nữ sinh trường Bưởi đạt Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Phát minh và Sáng chế khoa học quốc tế. Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô.

"Trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, chúng em đã nhận thấy rằng sâu sáp là loài động vật có khả năng phân hủy được rác thải nhựa nhờ vào các enzim khi chúng tiêu hóa. Qua đó, có thể thấy, sâu sáp đã mang đến một tiềm năng lớn cho công cuộc xử lý rác thải nhựa trên toàn thế giới", Nguyễn Hà Mai nói về dự án.

Chia sẻ thêm về quá trình gần 3 tháng chuẩn bị, hai cô gái đều thấy vô cùng thuận lợi vì trùng với thời gian nghỉ hè nên không gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa nghiên cứu và học tập. Thêm vào đó, sự ủng hộ của nhà trường, các thầy cô và đặc biệt là gia đình đã giúp các em thêm động lực, sự tự tin khi tham gia kỳ thi.

"Năm nay, em và Hà Chi lên lớp 12 nên lịch học khá dày. Mỗi ngày, chúng em vẫn cố gắng giành ít nhất 2 tiếng để cùng mọi người học tập, nghiên cứu. Do đề tài là vấn đề toàn cầu, em coi đó cũng là một cách để mình cập nhật thông tin", Hiền Mai nói về thời gian nghiên cứu.

Cùng với kết quả đáng tự hào của đoàn học sinh Việt Nam, thành công của hai học sinh Lê Trần Hiền Mai và Nguyễn Hà Chi tại Cuộc thi WICO 2023 đã tiếp tục nối dài bảng thành tích đáng tự hào của Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An. Đây chính là những "quả ngọt" thu được từ sự chắp cánh của nhà trường, thầy cô đã nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học, giúp các em tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự án, mang đến những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước