Nguồn ảnh: Dân trí.
Sau những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, kỳ thi sau đó 1 năm đã được tổ chức với quy chế được hoàn thiện hơn, công tác coi thi được siết chặt, phần mềm chấm thi hạn chế tối đa sự can thiệp của con người. Đặc biệt, giảng viên đại học được đưa về tổ chức coi thi cùng địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ lại được giao cho địa phương tổ chức trong tất cả các khâu. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ có nhiều giải pháp để giám sát kỳ thi này.
Theo dự kiến, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, đề thi vẫn tiếp tục do Bộ Giáo dục và Đào tạo phụ trách. Mỗi học sinh trong một phòng thi vẫn có 1 mã đề thi riêng để đảm bảo không có tình trạng sao chép bài làm. Camera vẫn được lắp trong phòng quản lý đề thi, bài thi để giám sát và trích xuất nếu cần. Địa phương vẫn tổ chức cho giáo viên chấm thi tự luận; riêng khâu chấm thi trắc nghiệm sẽ chấm bằng máy quét, với phần mềm mã hóa không cho can thiệp, chỉnh sửa... Ngoài lực lượng thanh tra của Bộ, thanh tra của Sở, dự kiến công tác thanh tra sẽ có thêm lực lượng thanh tra thi của UBND tỉnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ huy động lực lượng giảng viên đại học tham gia thanh tra thi.
Tuy nhiên, các giải pháp kỹ thuật cũng chỉ giúp hạn chế phần nào sai phạm, điều quan trọng vẫn là yếu tố con người. Phải làm gì để nâng cao trách nhiệm của các địa phương, của mỗi mắt xích trong quy trình tổ chức thi sau những bài học đắt giá đã từng xảy ra - là câu hỏi mà dư luận quan tâm nhất lúc này.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về thi tốt nghiệp THPT 2020
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Với tinh thần đó và những bài học đắt giá xảy ra tại 3 địa phương sai phạm, nhiều chuyên gia cho rằng, kỳ thi năm nay sẽ được chính người đứng đầu địa phương quán triệt quyết liệt; đảm bảo trung thực, an toàn, chất lượng trong điều kiện có dịch bệnh.
"Việc địa phương tổ chức kỳ thi một cách nghiêm túc sẽ trả kỳ thi về với đúng giá trị thật của nó là đánh giá chất lượng dạy và học sau 12 năm của học sinh phổ thông, lấy đó làm căn cứ để điều chỉnh quá trình dạy và học sau đó" - ông Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, ngoài các giải pháp kỹ thuật để giám sát kỳ thi, giải pháp căn cơ bên vững là phải tạo ra động cơ học tập bên trong ở người học và sự tôn trọng tất cả nghề nghiệp hiện có trong xã hội bất kể vị thế. Người lớn không còn dán nhãn tương lai của đứa trẻ bằng điểm số của một kỳ thi, nhà tuyển dụng không chỉ tuyển người dựa trên bằng cấp, chỉ khi đó, cuộc chạy đua tìm cơ hội gian dối trong thi cử mới thực sự chấm dứt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!